Xây dựng Cảng Trung chuyển Cần Giờ: Không đánh đổi bằng mọi giá

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, không đánh đổi bằng mọi giá mà có sự cân nhắc rất hài hòa lợi ích về kinh tế-xã hội, các vấn đề về tài nguyên môi trường khi xây dựng Cảng Cần Giờ.
Xây dựng Cảng Trung chuyển Cần Giờ: Không đánh đổi bằng mọi giá ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Khi nghiên cứu Đề án Xây dựng Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh không đánh đổi bằng mọi giá mà có sự cân nhắc hài hòa lợi ích về kinh tế-xã hội, các vấn đề về tài nguyên môi trường.

Thông tin được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ tại Hội nghị lấy ý kiến Đề án Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 19/10.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thành phố đã cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng đề án bởi nhận thức rõ việc phát triển cảng tại đây sẽ nhạy cảm, phải bảo vệ tài nguyên môi trường và các mối quan hệ vùng.

Hiện Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng rất cân nhắc khi tiếp nhận đề án của Thành phố Hồ Chí Minh và chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, tổ chức hội nghị lấy ý kiến ở nhiều góc nhìn khác nhau, nghiên cứu đầy đủ, thấu đáo, cân nhắc, kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

“Chúng ta nghiên cứu Dự án Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ hay bất kỳ dự án nào đều hướng tới mục tiêu phát triển. Dự án này không chỉ phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh, cho vùng mà còn cho cả nước. Chúng ta không đánh đổi bằng mọi giá mà có sự cân nhắc rất hài hòa lợi ích về kinh tế-xã hội, các vấn đề về tài nguyên môi trường, theo hướng phát triển bền vững," ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Xây dựng Cảng Trung chuyển Cần Giờ: Không đánh đổi bằng mọi giá ảnh 2Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng trao đổi các vấn đề về sự xung đột kinh tế khi triển khai Cảng Trung chuyển Cần Giờ với các cảng biển hiện hữu trong vùng; sự tác động đến Khu Dự trữ Sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ.

Nhiều chuyên gia cho rằng nghiên cứu đề án không xem xét chỉ ở góc độ đầu tư hiệu quả về tài chính mà phải đặt rộng hơn trong vai trò phát triển chung của Thành phố Hồ Chí Minh, của vùng và cả nước; không đặt việc chỉ bảo bệ môi trường mà bỏ lỡ các cơ hội phát triển kinh tế...

Nêu vấn đề tại hội nghị, chuyên gia Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 cho rằng cảng Cần Giờ không ảnh hưởng hoặc cạnh tranh với cảng Thị Vải-Cái Mép ở Bà Rịa-Vũng Tàu mà cả hai sẽ tạo thành một hệ thống cảng biển cho toàn vùng.

Cảng Cần Giờ sẽ bổ sung cho hệ thống cảng Cái Mép, nâng tầm toàn bộ cụm cảng số 4 thành cảng biển quốc gia, tầm cỡ quốc tế, cạnh tranh với thế giới. Cụm cảng này kết hợp mới có thể phát triển hết tiềm năng vì lợi ích quốc gia, không chỉ vì Thành phố Hồ Chí Minh hay vùng Đông Nam Bộ.

Trong khi đó, chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn cho rằng chúng ta phải phát triển kinh tế biển và có thể bảo vệ được Khu Dự trữ Sinh quyển. Chúng ta phải nghiên cứu để đưa khu vực này đạt kinh tế cao nhất, tác động môi trường ở mức thấp nhất.

Trong báo cáo nghiên cứu đề án, Tư vấn thiết kế chủ yếu tập trung vào hồ sơ kỹ thuật trong khi nguyên tắc làm cảng phải nói tới đô thị, khu công nghiệp, con người… Do đó, cần nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này.

[Trình Thủ tướng Đề án Cảng Quốc tế Cần Giờ theo hướng cảng xanh]

Liên quan vấn đề xung đột lợi ích các cảng, ông Trần Tấn Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng-Kỹ thuật biển (Portcoast) cho rằng cảng trung chuyển container quốc tế tại Cần Giờ được đề xuất với mục tiêu khai thác phần lớn hàng trung chuyển quốc tế do hãng tàu MSC mang từ các nước khác về. Hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam do hãng MSC đang đảm trách chuyên chở chiếm khối lượng không đáng kể.

“Do quy hoạch cảng biển được tính toán trên cơ sở dự báo hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam nên về cơ bản, khối lượng hàng hóa qua cảng Cần Giờ gần như không ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển theo quy hoạch của cảng biển Việt Nam nói chung và khu vực Cái Mép nói riêng," ông Trần Tuấn Phúc phân tích.

Theo ông Phúc, việc thành lập Cảng Trung chuyển Quốc tế tại Cần Giờ cùng với phát triển mạng lưới vận tải trung chuyển, hình thành đầu mối giao thương hàng hải trong khu vực sẽ khuyến khích các hãng tàu khác thiết lập đầu mối trung chuyển tại khu vực, đưa Cái Mép-vùng Cần Giờ lên một tầm phát triển mới có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội trong Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam và cả nước.

Xây dựng Cảng Trung chuyển Cần Giờ: Không đánh đổi bằng mọi giá ảnh 3Chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn trao đổi tại Hội nghị. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho rằng đây là cơ hội cho chúng ta có thể tạo một bước nhảy vọt về tăng trưởng hàng trung chuyển ở khu vực này, kết nối tác động tích cực với nhau trong cụm cảng. Việc nghiên cứu đề án cần phải kỹ càng, toàn diện và rất cẩn trọng nhưng bởi vì nó có yếu tố thời cơ, yếu tố cơ hội nên cũng phải rất khẩn trương. Quá trình triển khai Đề án cần đặt Cảng Cần Giờ trong hệ thống cảng biển Việt Nam và cảng biển quốc tế.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị đơn vị tư vấn cần nêu rõ hơn nữa về tác động môi trường khi xây dựng cảng. Tuy trong đề án đã có nêu đến tác động môi trường nhưng cần phải nghiên cứu sâu hơn để có cơ sở tư vấn bảo vệ môi trường, xem xét thông qua môi trường chiến lược trong quy hoạch.

Vị trí Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ được đề xuất là khu vực cù lao Phú Lợi nằm ở cửa sông Cái Mép, thuộc huyện Cần Giờ. Đây là khu vực nằm trong vùng chuyển tiếp của Khu Dự trữ Sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ nên tư vấn cho rằng dự án không ảnh hưởng đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 128.000 tỷ đồng (gần 5,5 tỷ USD), do nhà đầu tư tự thu xếp. Đề án đặt mục tiêu xây dựng Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ từ năm 2024. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục