Xây dựng các biện pháp kỹ thuật để ngăn thủ đoạn chuyển giá

Để ngăn chặn tình trạng chuyển giá, Nhà nước cần xây dựng các biện pháp kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cùng đạo đức của các cán bộ thuế để tìm hiểu, đoán bắt và quản lý tốt các doanh nghiệp.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Trước câu chuyện chuyển giá và nghi vấn né thuế của một số công ty đa quốc gia trong thời gian qua gây nhiều ý kiến trong dư luận, lãnh đạo một số doanh nghiệp trong nước đã bày tỏ ý kiến của mình và kiến nghị cần có giải pháp mạnh đối với vấn đề này để cộng đồng doanh nghiệp có thể cạnh tranh lành mạnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần bánh kẹo T&T, doanh nghiệp FDI chuyển giá để trốn thuế không chỉ làm ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp trong nước có ngành hàng kinh doanh cùng loại. Nếu vấn đề này không được giải quyết một cách triệt để thì doanh nghiệp trong nước sẽ sống ra sao, khi mà không thể cạnh tranh nổi với họ về mọi mặt. ​Doanh nghiệp FDI đã có vốn mạnh, được ưu tiên mọi mặt khi đầu tư vào Việt Nam, nay lại thêm chiêu trò này thì những doanh nghiệp vừa và nhỏ như doanh nghiệp của ông Sơn sẽ rất chật vật.

Cùng quan điểm với ông Nguyễn Xuân Sơn, ông Võ Như Tòng - Phó Giám đốc Công ty phân phối bán lẻ Trường Ngọc - bày tỏ: "Không thể phủ nhận những đóng góp của doanh nghiệp FDI trong vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp cho xuất khẩu. Nhưng, những đóng góp đó sẽ không có giá trị gì khi mà họ trốn thuế gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và thiệt hại cho các doanh nghiệp trong nước. Nhà nước cần có nghiên cứu tổng kết các biểu hiện, các phương pháp, các hình thức chuyển giá và trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, bổ sung sửa đổi những quy định pháp luật bảo đảm thu đúng, thu đủ đối với doanh nghiệp FDI."

Ông Tòng cho rằng nếu ngành thuế quyết liệt thì sẽ triệt được tận gốc vấn đề này.

Bày tỏ bức xúc trước hiện tượng này, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc điều hành Hapro, cho hay các chủ đầu tư sẽ lấy địa chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam tại các quốc gia, khu vực có thuế suất thấp, công ty tại Việt Nam sẽ bán sản phẩm cho công ty mẹ tại các quốc gia này với giá bằng giá gốc để tránh nộp thuế tại Việt Nam. Sau đó, bên mua sẽ bán lại cho bên thứ ba thu lãi.

Do thuế thu nhập doanh nghiệp tại những quốc gia nơi nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào Việt Nam bằng 0, hoặc ở mức rất thấp, nên doanh nghiệp không phải đóng thuế hoặc đóng thuế rất thấp. Hành vi chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ để lại các hậu quả xấu trong hoạt động của khu vực FDI, như làm thất thu ngân sách của Nhà nước, cạnh tranh không lành mạnh, tạo sức ép lên các doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, từ việc xác định có hiện tượng, có hành vi chuyển giá để đi đến một quyết định có tính pháp lý là một việc cực kỳ khó. Vì vậy, theo bà Hiền cần có sự phối hợp hành động chặt chẽ của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính, thuế, thương mại, hải quan ở Trung ương và địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của doanh nghiệp FDI, mới có thể ngăn chặn hiệu quả hành vi chuyển giá tại một số doanh nghiệp này.

Đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho hay chuyển giá và trốn thuế ở Việt Nam đang diễn ra rất phức tạp và khó nhận biết. Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài như Metro, Coca Cola... có dấu hiệu, mà ngay cả các doanh nghiệp trong nước cũng xuất hiện chuyển giá, trốn thuế.

Việc chuyển giá của các doanh nghiệp diễn ra âm thầm, phức tạp và nhiều thủ đoạn. Trách nhiệm này trước hết thuộc về ngành thuế, tài chính. Hiện nay các công ty lớn, tập đoàn thành lập các công ty con để trốn thuế nhiều, nhưng phát hiện ra được lại rất ít và gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, theo ông Vũ Vinh Phú, trước hết để ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp, Nhà nước cần xây dựng các biện pháp kỹ thuật, để hiệu quả quản lý cao hơn. Chẳng hạn, tại các cửa hàng, doanh nghiệp lớn, các máy tính, hệ thống bán hàng được nối với cục thuế, phòng thuế một cách thường xuyên... Biện pháp kỹ thuật này đã được các nước như Trung Quốc, Nga thực hiện từ lâu.

Sau đó, cần nâng cao năng lực chuyên môn cùng đạo đức của các cán bộ thuế để tìm hiểu, đoán bắt và quản lý tốt các doanh nghiệp trong việc chuyển giá, trốn thuế, tạo sân chơi bình đẳng, cạnh tranh cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Cuối cùng, về hành lang pháp lý, Nhà nước cũng cần có Luật Chuyển giá, áp dụng cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, làm sao để siết chặt hơn hoạt động tài chính, thuế của doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục