Ngày 8/5, các cuộc đàm phán chi tiết thực hiện thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu bắt đầu diễn ra tại thành phố Bonn (Đức) trong không khí lo ngại Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận lịch sử vốn đã được thông qua hồi tháng 12/2015 sau nhiều năm nỗ lực của toàn thế giới.
Các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc kéo dài 11 ngày được kỳ vọng sẽ phác thảo "bộ quy tắc" hướng dẫn các quốc gia thành viên thực hiện thỏa thuận nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua biện pháp cắt giảm khí thải nhà kính.
Bộ quy tắc này phải được hoàn thành trước năm 2018, thời điểm diễn ra đợt đầu đánh giá lượng khí thải nhà kính được cắt giảm.
Tuy nhiên, lộ trình này có nguy cơ bị trì hoãn và thậm chí có thể bị đảo lộn khi thành viên có mức khí thải nhà kính cao thứ 2 thế giới là Mỹ có khả năng sẽ rút khỏi thỏa thuận.
[Giới chức Mỹ "dậy sóng" vì ông Trump bãi bỏ các chính sách xanh]
Mặc dù thỏa thuận này luôn nhận được sự ủng hộ của chính quyền Mỹ dưới thời ông Barack Obama và luôn được coi như cơ hội cuối cùng để giúp thế giới tránh khỏi những thảm họa thiên nhiên do hiện tượng ấm lên toàn cầu gây ra, nhưng đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump lại luôn phản đối thỏa thuận ngay từ khi còn đang tranh cử vào Nhà Trắng, thậm chí ông Trump còn cam kết sẽ "hủy bỏ" thỏa thuận nếu lên làm Tổng thống Mỹ.
Đây là vòng đàm phán đầu tiên theo Công ước Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCC) kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền.
Một quan chức Mỹ hồi tuần trước xác nhận phái đoàn Mỹ sẽ tới Bonn tham dự hội nghị, nhưng số đại biểu được cử đi sẽ khiêm tốn hơn nhiều so với những năm gần đây.
Nguồn tin này cũng cho biết phái đoàn Mỹ sẽ tập trung để đảm bảo các quyết định cuối cùng không gây cản trở sự phát triển kinh tế và sự thịnh vượng của Mỹ, không ảnh hưởng tới các chính sách tương lai hay làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đứng đầu thế giới này.
Các chuyên gia tham dự các vòng đàm phán đều cho rằng quyết định của ông Trump chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới quá trình đàm phán, một số người cũng lo ngại nếu Mỹ thực sự rút khỏi thỏa thuận Paris có thể sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, làm "nhụt trí" các quốc gia khác đặc biệt trong việc duy trì mức độ cắt khí thải nhà kính như cam kết./.