Theo Tổng cục Thống kê, Tổng cục đang hoàn thiện Bộ chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững Việt Nam. Dự kiến, Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam sẽ được ban hành vào tháng 9/2018.
Tổng cục Thống kê cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xác định phạm vi của Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam gồm: Các chỉ tiêu phục vụ theo dõi, đánh giá Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Các chỉ tiêu thuộc khung theo dõi, giám sát toàn cầu do Ủy ban Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc ban hành mà Việt Nam có khả năng thu thập, tổng hợp phục vụ đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Cùng với đó, để đánh giá tính khả thi của chỉ tiêu thuộc khung theo dõi, giám sát toàn cầu tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê cùng chuyên gia quốc tế đã làm việc với các bộ, ngành có liên quan để rà soát tính khả thi của các chỉ tiêu thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành.
Kết quả rà soát tính khả thi của 232 chỉ tiêu thống kê trong Khung giám sát toàn cầu cho thấy: 129 chỉ tiêu có tính khả thi; trong đó: 93 chỉ tiêu có số liệu cơ sở; 36 chỉ tiêu chưa có số liệu cơ sở.
[Chuẩn bị tốt cho "hội nghị Diên Hồng" về phát triển bền vững ĐBSCL]
Trong đó, có 8 chỉ tiêu không áp dụng được ở Việt Nam (các chỉ tiêu áp dụng đối với các nước kém phát triển, quốc đảo nhỏ, một số chỉ tiêu tính cho phạm vi toàn cầu). 95 chỉ tiêu chưa thể áp dụng được ở Việt Nam gồm: 38 chỉ tiêu chưa xác định được phương pháp luận; các chỉ tiêu cần phải nghiên cứu, điều chỉnh khái niệm, nội dung, phương pháp tính cho phù hợp...
Tổng cục Thống kê cho hay các chỉ tiêu có tính khả thi tập trung nhiều trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động, thương binh và xã hội, bảo hiểm. Các chỉ tiêu chưa thể áp dụng tập trung nhiều trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và nông thôn…
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê còn nghiên cứu các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện hành của Việt Nam có liên quan đến phát triển bền vững như: hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; hệ thống chỉ tiêu thống kê của các Bộ, ngành…
Để theo dõi, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và cung cấp những bằng chứng thực tiễn xác thực về quá trình này, Tổng cục Thống kê kiến nghị các bộ, ngành nâng cao năng lực và hoàn thiện tổ chức thống kê Bộ, ngành. Đồng thời, đẩy mạnh thu thập dữ liệu phục vụ cho việc theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, 22 bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê trong quá trình quốc gia hóa, chuẩn hóa các chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững; đẩy mạnh việc thu thập dữ liệu thống kê về phát triển bền vững được phân công, đặc biệt là việc sử dụng dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê…/.