Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu hỗ trợ phát triển, xây dựng liên kết cho 50 chuỗi trong sản xuất nông nghiệp là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với vùng sản xuất chuyên canh tập trung của thành phố.
Tất cả chủ thể tham gia liên kết chuỗi sẽ được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất. Ngoài ra, liên kết chuỗi sản xuất-tiêu thụ nông sản an toàn sẽ ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc (mã QR) nhằm minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã phát triển được 141 chuỗi sản phẩm; trong đó có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Các chuỗi liên kết này đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân tham gia và đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Từ đó, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết Hà Nội được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá là trung tâm sản xuất cung cấp các giống cây con chất lượng cao lớn nhất cả nước. Hằng năm, Hà Nội cung cấp gần 200 triệu giống gia cầm các loại, 3,8 triệu giống lợn, 110.000 con trâu, bò, các loại giống cây hoa, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây đô thị... cho hầu hết các tỉnh, thành phố của cả nước.
[Tăng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực]
Phát triển liên kết chế biến tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp của Hà Nội đã phát huy tốt yếu tố đầu mối để khai thông các thị trường giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của cả Hà Nội và tỉnh được ổn định, gia tăng giá trị, từ đó, nâng cao vị thế nông nghiệp Thủ đô.
Vài năm trở lại đây, ở Việt Nam đã và đang hình thành các chuỗi phát triển trên 3 cấp độ: sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm địa phương. Tại Hà Nội, nhóm chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực cấp quốc gia và cấp tỉnh đã dần hình thành với sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành để thu hút đầu tư, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân sản xuất.
Tuy nhiên, hiện nay các liên kết chuỗi này đều chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ lẻ chủ yếu là liên kết theo hình thức "thuận mua-vừa bán" giữa các chủ thể sản xuất với doanh nghiệp và thương lái tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, khi chủ thể nào bán giá thấp hoặc doanh nghiệp nào mua giá cao hơn so với thị trường sẽ xảy ra tình trạng đứt gãy và phá vỡ hợp đồng liên kết đã ký kết.
Nhiều liên kết chỉ là sự khớp nối thông qua các sự kiện, chương trình kết nối giao thương sản phẩm nông nghiệp giữa người sản xuất và người tiêu thụ, chưa có sự hỗ trợ của quản nhà nước trong việc ký kết hợp đồng liên kết cũng như đầu tư nguồn lực cho các điểm yếu trong liên kết chuỗi nên tính bền vững không cao, dễ bị tan vỡ.
Theo các chuyên gia kinh tế, nông sản không được quản lý theo chuỗi dẫn tới tình trạng tại nhiều nơi ở nhiều thời điểm, nguồn cung nông sản dôi dư, gây mất cân bằng cung-cầu, khiến cho việc tiêu thụ càng trở nên khó khăn. Vì vậy, việc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giai đoạn 2021-2025 là hết sức quan trọng và cần thiết. Đặc biệt là giúp cơ quan quản lý Nhà nước tập trung, thống nhất chỉ đạo điều hành trong công tác phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững, góp phần thiết thực vào hoàn thành các mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TƯ ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội.
Theo đó, kế hoạch nhằm tạo mô hình đầu tàu trong sản xuất nông nghiệp, giúp các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết xây dựng quy trình sản xuất theo hướng hiệu quả-an toàn-bền vững; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, gắn sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến với tiêu thụ; nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ quản lý liên kết chuỗi trong tổ chức sản xuất, sơ chế, bảo quản chế biến, xây dựng thương hiệu và quảng bá Marketting tiêu thụ sản phẩm./.