Xây dựng 12 chính sách di dời 2.900 nhà máy vào khu công nghiệp

Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã xây dựng xong 12 chính sách để di dời khoảng 2.900 nhà máy của các doanh nghiệp ở trong khu dân cư đưa vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung.
Một khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết cơ quan này đã xây dựng xong 12 chính sách để di dời khoảng 2.900 nhà máy của các doanh nghiệp ở trong khu dân cư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung.

Tỉnh đưa ra 12 chính sách khuyến khích di dời gồm hỗ trợ tiền thuê đất tại địa điểm mới, hỗ trợ tiền thuê nhà xưởng tại địa điểm mới, miễn tiền thuê đất trong cụm công nghiệp, hỗ trợ cho việc tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng doanh nghiệp mới, hỗ trợ người lao động trong thời gian ngừng sản xuất, chính sách chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động nghỉ việc do di dời, chính sách nhà ở xã hội đối với công nhân tại địa điểm mới, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân mới tuyển dụng, hỗ trợ một lần đối với doanh nghiệp sản xuất tự chấm dứt hoạt động sản xuất, chính sách ưu tiên cho các khu, cụm công nghiệp di dời (cũ) được chỉ định xây dựng nhà ở xã hội nếu đủ điều kiện năng lực và phù hợp quy hoạch.

[Tập đoàn Tokyu tiếp tục hợp tác phát triển đô thị tại Bình Dương]

Theo ông Toàn, đối với các doanh nghiệp buộc di dời sẽ bao gồm 2 tiêu chí: Một là tiêu chí xác định các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp.

Hai là doanh nghiệp vi phạm về khoảng cách an toàn về môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật về khoảng cách an toàn đối với khu dân cư, có phát sinh chất thải phải xử lý nhưng không có công trình xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị được phép xử lý gây ô nhiễm môi trường mà không thể khắc phục được.

Cùng với đó, là tiêu chí chấm điểm để xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng di dời với 5 tiêu chí gồm: bảo vệ môi trường; phòng cháy chữa cháy; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đã được phê duyệt và còn hiệu lực; ngành nghề sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động và ý thức chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp.

Ông Toàn cho biết thêm thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành công nghiệp nói riêng hay tái cơ cấu ngành kinh tế nói chung, việc tái cơ cấu lại không gian, ngành nghề của ngành công nghiệp là điều rất quan trọng. Do đó, việc di dời, chuyển đổi công năng các doanh nghiệp từ các địa phương phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc là điều rất cần thiết.

Tỉnh đang chủ động tham gia tái cơ cấu ngành, tái tổ chức không gian phát triển của tỉnh với chủ trương thu hút đầu tư chủ yếu vào khu, cụm công nghiệp và hạn chế tối đa bên ngoài khu, cụm công nghiệp.

Tỉnh đưa ra những chính sách hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam thực hiện chuyển đổi công năng, di dời vào khu công nghiệp tập trung để tái cấu trúc phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như ngành điện-điện tử, ngành cơ khí chế tạo, ngành hóa chất, công nghiệp hỗ trợ; đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng phát triển các cụm ngành gỗ, dệt may, da giày và chế biến nông-thủy sản.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, việc di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu dân cư vào khu công nghiệp là chủ trương lớn của tỉnh; qua đó sau khi di dời sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị của tỉnh theo hướng đô thị văn minh, thông minh, hiện đại.

Cụ thể, sau khi các doanh nghiệp dời đi, ước tính có khoảng 1.800ha đất nhà xưởng của các doanh nghiệp sẽ được chuyển đổi công năng thành nhà ở xã hội, kinh doanh thương mại, dịch vụ...

Đây cũng là mục tiêu phát triển của tỉnh theo hướng đô thị thông minh, bền vững, thành nơi đáng sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục