Ngày 10/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo “Xây dựng danh mục nhân vật truyền thông, phục vụ biên soạn bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam.”
Hội thảo có sự tham gia của một số nhà báo lão thành; nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam các thời kỳ; lãnh đạo một số cơ quan báo chí và các nhà khoa học đến từ các đơn vị đào tạo báo chí.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết Hội thảo lần này nhằm trao đổi, thảo luận về các tiêu chí lựa chọn và đề xuất danh mục các nhân vật tiêu biểu (đã qua đời ít nhất 5 năm), có nhiều đóng góp cho sự phát triển của truyền thông đại chúng ở Việt Nam.
Đây là dịp để các nhà báo, nhà khoa học giới thiệu những nhân vật - nhà báo có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực báo chí-truyền thông của cả nước, phục vụ việc lập danh sách, xây dựng mục nhân vật truyền thông cho Bộ Quốc chí và cơ sở dữ liệu quốc gia lĩnh vực truyền thông.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ các tiêu chí, điều kiện và có sự thẩm định thận trọng, nghiêm túc, khoa học, đảm bảo tính Đảng, tính lịch sử, chân thực, khách quan, phản ánh đúng sự đóng góp của các nhà báo được giới thiệu với báo chí Việt Nam, phù hợp với các tiêu chí xây dựng Bộ Quốc chí và cơ sở dữ liệu quốc gia.
Phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ Biên soạn Bộ Địa chí quốc gia Việt Nam nói chung, Địa chí quốc gia lĩnh vực truyền thông nói riêng trong thời đại ngày nay không chỉ là sự tiếp nối truyền thống của tiền nhân mà còn ghi, mô tả lại, xây dựng những thước phim tư liệu bằng ngôn ngữ về những sự việc, sự kiện trong lĩnh vực truyền thông đương đại.
[Hội Nhà báo Việt Nam: 70 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc]
Bộ Quốc chí về lĩnh vực truyền thông sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu bức thiết trong quản lý đất nước và quản lý xã hội. Với hệ tri thức khoa học mang tính tổng hợp, toàn diện về ngành truyền thông, Quốc chí sẽ là bộ công cụ tra cứu hữu ích, tiện dụng, cung cấp luận cứ khoa học đáng tin cậy trong hoạch định đường lối, chính sách phát triển về ngành công nghiệp truyền thông, đồng thời, hỗ trợ việc phát triển các ngành kinh tế-xã hội của đất nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tiêu chí lựa chọn và đề xuất danh mục nhân vật truyền thông tiêu biểu cho các thời kỳ phát triển của báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến nay.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, tiêu chí lựa chọn bao gồm những nhân vật có vai trò và ảnh hưởng quan trọng trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, là những người đã từng nắm giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống báo chí truyền thông ở Việt Nam; những nhà báo đã dùng báo chí làm vũ khí tổ chức lực lượng, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, phục vụ cho lý tưởng cách mạng cao cả…
Đó cũng có thể là những nhà báo tiêu biểu cho các dòng báo chí trong giai đoạn trước năm 1945; những nhà báo tiêu biểu, đại diện cho các cơ quan báo chí lớn, trực thuộc Chính phủ và Trung ương Đảng; những nhà báo có tác phẩm được chọn lọc đăng tải trong sách giáo khoa; những nhà báo được vinh danh đặt tên đường, tên phố; được trao tặng các giải thưởng lớn như giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng…
Từ những tiêu chí trên, nhiều nhân vật được các đại biểu đề xuất đưa vào danh mục nhân vật truyền thông qua các thời kỳ như Nam Cao, Đỗ Đức Dục, Trần Đăng, Trần Bạch Đằng, Dương Tử Giang, Thôi Hữu, Lưu Quý Kỳ, Trần Lâm, Nguyễn Thành Lê, Thép Mới, Xuân Thuỷ, Trần Kim Xuyến, Huỳnh Văn Tiểng, Đào Tùng, Hoàng Tùng, Trần Bá Lạn….
Sau hội thảo này, danh mục đề xuất về nhân vật truyền thông sẽ tiếp tục được xin ý kiến các ban, bộ, ngành, các cơ quan báo chí lớn, các nhà báo lão thành, chuyên gia giàu kinh nghiệm… trước khi nhóm tác giả biên soạn từng mục về các nhân vật./.