Xây chương trình cụ thể nâng cao nhận thức về Cộng đồng ASEAN

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao chỉ đạo đây là lúc cần phải xây dựng các chương trình cụ thể để nâng cao nhận thức của bộ, ngành, địa phương và người dân về Cộng đồng ASEAN.
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Cộng đồng ASEAN và Chương trình hành động của Việt Nam” với sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức chính trị-xã hội và doanh nghiệp…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội thảo.

Sự hình thành Cộng đồng ASEAN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, đánh dấu 20 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN.

Trong hai thập kỷ qua, triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Việt Nam đã tham gia ngày càng tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong ASEAN, từng bước gắn lợi ích quốc gia-dân tộc với lợi ích chung của khu vực, nỗ lực cùng các thành viên khác của ASEAN chung tay ứng phó với các thách thức trong bối cảnh chiến lược mới.

Cộng đồng ASEAN chính là bức tranh thu nhỏ, bước đột phá trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Cộng đồng ASEAN ra đời đánh dấu bước phát triển mới quan trọng của ASEAN, thể hiện nhận thức và lợi ích chung của các nước ASEAN về sự cần thiết nâng cao liên kết để tận dụng các cơ hội và hóa giải các thách thức.

Theo đó, ASEAN trong 10 năm tới sẽ tiếp tục bám sát 6 định hướng lớn gồm: Nâng cao hiệu quả và tính thực chất của liên kết ASEAN và hợp tác ASEAN với các đối tác; Đề cao và tăng cường yếu tố luậ t trong các hoạt động của ASEAN; Thúc đẩy sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; Nâng cao khả năng tự cường của ASEAN trong việc ứng phó, xử lý các thách thức và các biến động bất thường; Chú trọng yếu tố phát triển bền vững, gắn liền với Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc; Củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, đồng thời nâng cao đóng góp và vị thế toàn cầu của ASEAN.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: “Khi ASEAN bắt đầu triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), Việt Nam đã kịp thời xây dựng ​'Đề án về Phương hướng và Biện pháp Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN đến năm 2015' và Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai đề án kể trên.

Ngoài ra, trong Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đang chuẩn bị được phê duyệt, các định hướng về xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện các kế hoạch triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến 2025 cũng là những nội dung được ưu tiên cao. Tính đến nay, Việt Nam đã cùng các nước thành viên khác trong ASEAN hoàn thành trên 90% các dòng hành động của cả 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN.”

Nhận định về cơ hội và thách thức mang lại cho Việt Nam khi thành lập Cộng đồng ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: “Về chính trị, an ninh, Việt Nam có cơ hội củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị khi các nước ASEAN chia sẻ và gắn kết sâu hơn các lợi ích an ninh với nhau.

Về kinh tế, Việt Nam có cơ hội mở rộng được thị trường hàng hóa và dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, định vị đất nước vào vị trí tối ưu trong chuỗi sản xuất và phân phối ở khu vực và toàn cầu. Về văn hóa-xã hội, Việt Nam có cơ hội thực hiện các chuẩn mực cao hơn về văn hóa xã hội, các tiêu chí về bảo vệ quyền con người, chia sẻ và làm giàu bản sắc văn hóa, xã hội của dân tộc Việt Nam.

Việc hiện thực hóa được các cơ hội ấy sẽ đóng góp thiết thực vào các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ an ninh tổ quốc, đồng thời tạo nên tác động rất lớn tới quá trình nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.”

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cũng chỉ rõ: “Do mức độ phát triển trên nhiều mặt của nước ta vẫn còn khoảng cách so với nhiều nước ASEAN, nhất là các nước trong nhóm nước ASEAN-4 nên quá trình thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể triển khai tầm nhìn trên cả ba trụ cột cũng đặt Việt Nam trước nhiều thách thức hơn các nước khác, nhất là về kinh tế. Hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam còn nhỏ bé về quy mô, lạc hậu về công nghệ so với các nước ASEAN, nhất là ASEAN-4; giới doanh nhân Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong cạnh tranh, trong kinh doanh quốc tế…

Thời điểm Cộng đồng ASEAN bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn từ hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ ASEAN; từ đầu tư của các nước ASEAN…

Một số doanh nghiệp có thể sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa. Ngoài ra, so với một số nước ASEAN, Việt Nam còn chậm hơn cả về nhận thức và hành động cụ thể.

Theo điều tra mới đây của một số học giả trong nước và của Ban thư ký ASEAN, nhận thức về Cộng đồng ASEAN, về cơ hội và thách thức từ việc hình thành Cộng đồng ASEAN của doanh nhân, sinh viên và người dân Việt Nam nói chung còn thấp hơn các nước Singapore, Thái Lan và Malaysia.”

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chỉ đạo: “Thời gian không chờ đợi và đây là lúc cần phải xây dựng các chương trình cụ thể để nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương và toàn thể nhân dân về Cộng đồng ASEAN; xây dựng và hoàn chỉnh chương trình hành động cụ thể để biến Cộng đồng ASEAN thành hiện thực ở Việt Nam với tinh thần tích cực, chủ động nhất.”

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 nhóm vấn đề cụ thể gồm định hướng cụ thể để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức và người dân về Cộng đồng ASEAN, về cơ hội và thách thức đối với tổ chức và người dân; xây dựng chương trình hành động của các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội ngành nghề và địa phương trong từng trụ cột , trong c ộng đồng và từng kế hoạch triển khai Tầm nhìn ASEAN; tiến hành các công việc chuẩn bị cần thiết khác để triển khai trước mắt và sau khi đã xây dựng xong các chương trình hành động cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục