Từ ngày 23/5, giá xăng chính thức thiết lập đỉnh mới với giá cao nhất lên tới 30.650 đồng/lít. Mức giá này khiến nhiều tài xế, shipper công nghệ vốn đã “lao đao” nay lại càng trở nên khó khăn hơn. Thậm chí, nhiều người đã nghĩ đến việc bỏ nghề và tìm công việc khác.
Anh Xuân Tùng, một shipper Grab vừa thực hiện chuyến giao hàng cuối cùng trước giờ nghỉ trưa. Tổng cộng từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa anh chạy được 10 đơn, thu 155.000 đồng. Trừ đi tiền xăng, tiền điện thoại anh lãi khoảng 80.000 đồng, chỉ bằng một nửa năm ngoái.
Theo anh Tùng, trước đây mỗi ngày anh có ít nhất 30-40 đơn hàng, giá cước mỗi đơn trung bình khoảng 16.000 đồng, trừ đi tiền xăng khoảng 10.000 đồng thì lãitừ 300.000-400.000 đồng/ngày. Nay đơn giảm, xăng tăng thì lãi còn chưa tới 200.000 đồng/ngày.
“Mấy đợt xăng tăng giá làm giới shipper chúng tôi rất khổ sở vì thu nhập giảm mạnh 30-40%. Giờ đây, xăng tăng hơn 30.000 đồng/lít thì chạy cả ngày cũng chỉ đủ tiền đổ xăng và ăn uống chứ không dư được đồng nào,” anh Tùng buồn rầu cho hay.
Còn anh Quang Anh, một tài xế công nghệ khác tính toán: “Với giá xăng tăng chóng mặt như hiện nay thì một lần đổ đầy cho bình xăng chiếc xe máy của tôi tăng từ 50.000 đồng lên 75.000 đồng. Đối với những tài xế chạy xe tay ga thì mức thay đổi của tiền xăng nhiều hơn. Mặc dù vậy, cước vận chuyển cũng như chiết khấu tăng không đáng là bao khiến thu nhập của chúng tôi bị giảm nghiêm trọng.”
Bên cạnh các tài xế, khách hàng cũng bị ảnh hưởng bởi việc giá xăng tăng. Là người thường xuyên sử dụng ứng dụng đặt đồ ăn, chị Mỹ Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết gần đây tiền ship tăng lên khoảng 20% so với đầu tháng. “Tôi có đặt một chiếc bánh mỳ giá 25.000 đồng ở một quán cách nhà hơn 1km, trước tiền ship hết 22.000 đồng mà nay hãng lấy 26.000 đồng, cao hơn cả đồ ăn,” chị Linh nói.
[Cần tính tới các công cụ thuế linh hoạt để kìm giá xăng dầu]
Không chỉ riêng xe 2 bánh, các tài xế chạy dịch vụ ôtô 4-7 chỗ cũng đang đứng ngồi không yên bởi một số người còn vay góp để mua xe.
Mỗi ngày chạy xe với doanh thu 500.000 đồng song tiền xăng lên tới gần 200.000 đồng, chưa bao gồm công sức làm việc và các chi phí khác khiến anh Duy Ngọc, tài xế hãng công nghệ Gojek than thở "chạy xe gần như không có lãi."
"Hiện giờ làm tài xế công nghệ không còn ‘ngon ăn’ như ngày xưa nữa bởi phải gánh quá nhiều thứ: Tiền điện thoại, phí cầu đường, khấu hao xe… trong khi giá xăng tăng, khách ít đi nên doanh thu tháng chỉ đủ nuôi và trả góp chiếc xe này. Tôi định chạy đến hết tháng rồi bán xe trả nốt nợ đi làm việc khác,” anh Ngọc chia sẻ.
Trước tình hình trên, đại diện nhiều hãng xe công nghệ cho biết họ cũng đang lên các kế hoạch để hỗ trợ thu nhập cho các tài xế, còn việc điều chỉnh giá cước thì phải theo dõi biến động thị trường và một số yếu tố khác để có quyết sách phù hợp cho cả đối tác lẫn khách hàng./.