Trái với việc giá xăng đã giảm 5 lần liên tiếp trong 2 tháng qua, giá cước vận tải hiện vẫn giảm “nhỏ giọt,” thậm chí “đứng yên.”
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số bến xe và các hãng taxi trên địa bàn Hà Nội, đến thời điểm này có rất ít doanh nghiệp vận tải có chương trình giảm giá cước.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết tính đến ngày hôm nay (7/9), tại bến có 7/150 doanh nghiệp vận tải kinh doanh nộp báo cáo về việc giảm giá vé khi giá xăng, dầu giảm giá.
Cụ thể, mức giảm cao nhất ghi nhận đến thời điểm này là doanh nghiệp Dịch vụ vận tải Hồng Vân có mức giảm 8,33% (giá cũ 120.000 đồng, giá mới giảm xuống 110.000 đồng tuyến Hà Nội-Cẩm Phả).
Mức giảm thấp nhất là Chi nhánh Công ty Vận tải Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Long tuyến Thái Bình-Hà Nội chỉ giảm 2,6% (từ mức 77.000 đồng xuống 75.000 đồng). Còn lại 5 doanh nghiệp khác mức giảm dao động từ 4-6%, chủ yếu là các tuyến Hà Nội đi Tuyên Quang, Hà Giang, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình…
Còn theo ông Nguyễn Đức Vui, Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm và ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình, hiện tại một vài doanh nghiệp tại bến đã nộp báo cáo về giảm giá. Lãnh đạo bến đang cho tổng hợp sẽ gửi các cơ quan báo chí ngay sau khi có kết quả tổng hợp.
Cũng giống như doanh nghiệp vận tải xe khách, doanh nghiệp taxi hiện xu hướng giảm giá cước rất thấp.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng hiện mới chỉ có khoảng 5-10% số doanh nghiệp taxi đăng ký giảm cước; trong đó có taxi Nguyên Minh, Mai Linh, VIC... với mức giảm phổ biến trong khoảng từ 500-800 đồng/km.
Phần lớn các hãng còn lại đang tính toán để đưa ra mức giảm và chưa thực hiện giảm cước ngay bởi trước đó, khi giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp này vẫn giữ nguyên mức cước hoặc chỉ tăng nhẹ.
Ngoài ra, diễn biến giá xăng và chu kỳ tính 15 ngày là nhanh so với chu kỳ điều chỉnh của hãng taxi. Mỗi lần điều chỉnh cước thì thời gian để các doanh nghiệp hoàn thành thủ tục xin phép, kiểm định, thay đổi cước đồng hồ... phải mất khoảng 2 tuần. Nhiều khi doanh nghiệp vừa thay bảng giá mới thì xăng lại biến động ngược lại.
Ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch Công ty Taxi Hương Lúa bày tỏ thời điểm hiện tại, mức cước taxi của hãng đang ở mức thấp so với mặt bằng giá cước chung. Tuy nhiên, Hương Lúa vẫn đang tiếp tục có những tính toán và cân nhắc để thực hiện giảm cước trong thời gian tới.
“Chúng tôi cũng chưa thể đưa ra mức giảm giá cụ thể, bởi còn nghiên cứu xu hướng tăng, giảm của giá dầu thế giới. Nếu trong kỳ điều chỉnh tới, giá xăng có biến động tiếp tục giảm mạnh, doanh nghiệp sẽ thực hiện giảm cước ngay,” ông Sáu cho hay.
Lãnh đạo Taxi Nguyên Minh cho rằng doanh nghiệp đã xây dựng phương án giảm giá cước với mức giảm khoảng 400-500 đồng/km. Xăng đã giảm hiện ở mức hơn 17.300 đồng/lít nhưng so với thời điểm các doanh nghiệp tính giá cước hồi đầu năm (giá xăng khoảng 15.000 đồng) thì mức này vẫn còn cao hơn khoảng 2.000 đồng/lít.
Ngoài ra, giá xăng chỉ chiếm khoảng 35-40% chi phí cấu thành giá cước. Còn lại các chi phí khác vẫn tăng như lương cơ bản, phí cầu đường... Bên cạnh đó, ảnh hưởng tỷ giá và biến động của đồng nhân dân tệ cũng khiến đầu tư phương tiện tăng cao, phụ tùng thay thế tăng khoảng 7%.
Về lĩnh vực hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa có văn bản yêu cầu các hãng hàng không tăng cường áp dụng nhiều mức giá vé thấp và chương trình khuyến mại sau khi giá xăng dầu liên tiếp giảm.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, thời gian qua, giá nhiên liệu bay Jet A1 tiếp tục xu hướng giảm rõ rệt. Việc này có tác động tích cực đến thị trường vận tải nói chung và thị trường vận chuyển hàng không nói riêng.
Với xu hướng giá nhiên liệu giảm, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các Hãng hàng không tiếp tục áp dụng và xuất bán nhiều loại giá vé thấp, tạo điều kiện hơn nữa cho nhiều người dân tham gia giao thông đường không.
Cục cũng xây dựng và đưa thêm nhiều chương trình khuyến mại, giá vé đặc biệt thu hút thêm hành khách sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không./.