Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng dần

Độ mặn cao nhất từ ngày 2-10/5 tại Đồng bằng sông Cửu Long ở mức tương đương và cao hơn 10 ngày cuối tháng Tư, riêng ở Cà Mau độ mặn ở mức thấp hơn.
Đập ngăn mặn trên sông Tiền chảy qua địa bàn xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 2-10/5, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất vào cuối tuần.

Độ mặn cao nhất trong đợt này tại các trạm ở mức tương đương và cao hơn 10 ngày cuối tháng Tư, riêng ở Cà Mau độ mặn ở mức thấp hơn.

Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này dẫn tới phạm vi xâm nhập mặn ở các sông có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 90-135km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 55-70km; Sông Hàm Luông ở mức 65-85km; Sông Hậu, Cổ Chiên là 45-50km và Sông Cái Lớn là 55-60km.

[BIDV hỗ trợ 26 tỷ đồng cho người dân bị hạn hán, xâm nhập mặn]

Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 80-125km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 50-55km; Sông Hàm Luông là 60-75km; Sông Cổ Chiên, sông Hậu ở mức 35-40km và Sông Cái Lớn là 45-55km.

Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cấp độ 1-2.

Theo dự báo, từ ngày 1-5/5, khu vực Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày nắng nhiều và nhiệt độ còn duy trì ở mức cao.

Từ ngày 6-10/5 có mưa dông rải rác về chiều tối trong thời đoạn ngắn, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Mưa phân bố không đều, tổng lượng mưa dao động từ 20-40mm, có nơi trên 70mm. Nhiệt độ cao nhất phổ biến trong khoảng 33-36 độ C, sau có xu hướng giảm.

Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,2-1,0m.

Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu sẽ lên theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,3m; tại Châu Đốc 1,45m, cao hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 0,15-0,2m./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục