Xâm nhập mặn giảm, không còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp từ cuối tháng 6

Từ tháng 5, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm, không còn ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp từ đầu tháng 6.
Cống Cái Lớn-Cái Bé (Kiên Giang) sẽ đóng hoàn toàn để ngăn mặn. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết từ tháng 5 xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm, không còn ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp từ đầu tháng 6.

Ở vùng hai sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn đang tiếp tục có xu thế tăng, khả năng đạt đỉnh cao nhất vào thời gian từ 23-27/4 hoặc 6-10/5 và tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 5/2024.

Từ tháng 6, xâm nhập mặn giảm nhanh và không còn ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp từ cuối tháng 6.

Ở vùng ven biển Tây, hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé sẽ tiếp tục vận hành bảo đảm kiểm soát xâm nhập mặn đáp ứng nhu cầu dùng nước.

Từ tháng 4 đến nay, diễn biến xâm nhập mặn vùng ven biển Tây biến động khó lường, một số thời điểm độ mặn tại một số điểm đã tăng cao đột biến, đặc biệt trong các ngày từ 18-22/4, tại cầu Cái Tư (sông Cái Lớn) đạt lớn hơn 3-4g/lít, tại Bắc Hồng Dân >10g/lít, gây ảnh hưởng đến lấy nước cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nguồn nước thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4/2024 vẫn ở mức thấp nên không có nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu hạn chế, kết hợp với nắng nóng kéo dài, lượng bốc hơi cao, các địa phương đồng loạt xuống giống vụ Hè Thu làm mực nước nội đồng giảm nhanh.

Nông dân xã Vình Bình Bắc, huyện Gò Quao chăm sóc vườn sầu riêng sau khi hệ thống thủy lợi của tỉnh Kiên Giang dần khép kín giúp ngăn mặn, bảo vệ vùng ngọt vào mùa khô. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Bên cạnh đó, công trình phân ranh nguồn nước nội vùng chưa hoàn thiện, nước mặn từ hướng biển Đông qua hệ thống thủy lợi Quản Lộ-Phụng Hiệp phục vụ nuôi trồng thủy sản cho tỉnh Bạc Liêu đã làm gia tăng độ mặn nguồn nước của hệ thống Cái Lớn-Cái Bé.

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam đã tăng cường vận hành cống Cái Lớn hỗ trợ tiêu mặn nhưng do triều biển Tây thấp (chênh lệch chân, đỉnh triều thấp, thời gian tiêu ngắn) nên độ mặn thượng lưu sông Cái Lớn giảm chậm.

Hiện công ty đang phối hợp với các đơn vị quản lý khai thác thủy lợi thuộc tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau vận hành tiêu rút mặn các cống QP5, QP6, QP7 (hệ thống Quản Lộ-Phụng Hiệp).

Theo Cục Thủy lợi, từ đầu mùa khô 2023-2024 đến nay, ranh mặn 4g/lít đã xâm nhập sâu nhất ở các cửa sông Vàm Cỏ từ 90-100km, so với trung bình nhiều năm cao hơn từ 9-10km, so với năm 2016 thấp hơn từ 21-23km, thấp hơn năm 2020 từ 1-43km.

Các cửa sông Cửu Long sâu nhất từ 55-65km, so với trung bình nhiều năm cao hơn từ 6-16km, so với năm 2016 thấp hơn từ 5-8km; riêng sông Cửa Tiểu-Đại đã xuất hiện cao hơn năm 2016 khoảng 4-5km.

Vùng ven biển Tây, từ đầu mùa khô hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé đã vận hành chủ động kiểm soát xâm nhập mặn, khống chế độ mặn tại cầu Cái Tư ở mức <1g/lít theo đúng yêu cầu dùng nước, so với tính toán trong trường hợp không vận hành, độ mặn giảm khoảng 3 g/lít.

Nhìn chung, so với các đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2015-2016, 2019-2020, chiều sâu ranh mặn 4 g/lít của đợt xâm nhập mặn 2023-2024 phổ biến ở mức thấp hơn.

Tuy nhiên, do tình trạng thiếu hụt lượng mưa, đặc biệt nhiều nơi cả tháng không có mưa, kết hợp với nắng nóng diện rộng liên tục xuất hiện nhiều ngày nên đã làm gia tăng tác động ở một số địa phương cao hơn các đợt xâm nhập mặn lịch sử, nhất là tại tỉnh Cà Mau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục