Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, hay cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một đứa trẻ bị xâm hại tình dục.
Một người mẹ có con gái 5 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh khi phát hiện những bất thường của con, biết được sự việc chị đã tố cáo kẻ xâm hại con mình.
Nước mắt lăn dài trên má, nỗi đau bóp chặt cổ họng, nghẹn trong tiếng nấc, tiếng kể của chị: “Chú dặn con không nói cho cô Giang, cô Hà, không nói cho ba mẹ biết. Mẹ ơi, chú làm con đau lắm…!”
[Hành vi hôn vào mặt trẻ em dưới 16 tuổi có thể bị khép tội dâm ô]
Ám ảnh nhất là những dòng chữ cuối cùng của bé H.M. K., 13 tuổi, học lớp 5 ở Cà Mau trên tờ giấy ôly ngập tràn phẫn uất: “Tôi đã sấm (sắp) chết không còn ở trên trái đất này nữa, tôi chết nắm (nhắm) mắt không yên khi chuyện này không được giải quyết.”
K. – mới có 13 tuổi, là nạn nhân của vụ xâm hại tình dục gây chấn động dư luận cả nước. Em bị người hàng xóm đáng tuổi cha chú xâm hại nhiều lần và đã cùng gia đình tố cáo nhưng cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau vẫn không khởi tố vụ án. Uất ức, K. tìm đến cái chết như một phương cách tìm lại công bằng cho mình.
Cái chết của K. như một tiếng chuông thức tỉnh lương tri của xã hội về một tệ nạn nhức nhối hiện nay. Ngày càng nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục với diễn biến phức tạp cả về quy mô và cách thức thực hiện.
Xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn trên toàn Việt Nam, hậu quả mà các em phải gánh chịu có thể có những tổn thất về sức khỏe thể chất và tinh thần, làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội và thậm chí có thể hủy hoại các em, ảnh hưởng đến việc trở thành con người tốt, trở thành cha mẹ tốt trong tương lai.
Phóng viên VietnamPlus đã tiếp cận vấn đề này ở nhiều góc độ khác nhau, để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục cần phải huy động, chung tay tham gia của toàn xã hội, để không còn những chuyện tồi tệ như vậy xảy ra với các cô bé, cậu bé và những kẻ xấu bị trừng trị, trả lại lại công bằng cho những em bé bị xâm hại tình dục.
Bài 1:
Những đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ và khuyết tật tâm hồn khi trưởng thành
“Trẻ em như búp trên cành…
Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan…”
Khi được ai đó hỏi về tuổi thơ, đa số mọi người đều cảm thấy quãng thời gian đó thật đẹp, trong trẻo và là giai đoạn đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Tuy nhiên, cũng có những người, tuổi thơ là đoạn ký ức chua xót mà họ luôn muốn quên đi.
Dường như, có một số “búp măng trên cành” ấy đang phải đối mặt với không ít chông gai, không ít những em bé đang bị đánh cắp mất tuổi thơ do bị lạm dụng tình dục, bị ấu dâm.
Những dòng tâm sự của người mẹ, người cha hay chính những đứa trẻ ấy trong cuộc thật day dứt, xót xa…
Những lời tâm sự nhói lòng
Chị T. 32 tuổi và đã có gia đình tâm sự, mỗi khi đọc tin về việc trẻ nhỏ bị ấu dâm, xâm hại tình dục, tim chị lại nhói đau.
Khi T. 12 tuổi, đi đâu cô cũng được mọi người khen xinh. Bố mẹ T. có một chú em kết nghĩa đặc biệt yêu quý cô. Cứ mỗi lần sang chơi, thế nào chú ấy cũng phải ôm hôn T. trước mặt bố mẹ cô.
Nhà T. ở là khu tập thể của ban quản lý trồng rừng. Trước cửa nhà là cả một vườn ươm cây rộng lớn, lũ trẻ con trong xóm hay chơi trốn tìm ở đó.
“Hè năm 1998, mình vẫn chơi trốn tìm với nhóm bạn. Đến lượt phiên mình chạy đi trốn. Mình núp vào bụi vườn ươm cây như mọi lần chơi thì tự nhiên có chú em kết nghĩa đó từ đâu nhảy vào núp cùng.”
“Mình là đứa bé 12 tuổi và đang mải trốn bạn nên thấy chú bắt đầu ôm hôn mình như mọi khi, mình đã không phản ứng lại. Chỉ đến lúc chú bắt đầu thò tay vào vê đầu ngực mới nhú của mình thì thầm hỏi: “Đây là cái gì thế?” rồi tiếp tục lột quần lót và lật váy lên để úp mặt vào người mình thì lúc ấy mình mới thấy sợ, nhảy choàng ra khỏi chỗ trốn tìm. Thấy tiếng động, một bạn chạy ra ‘xì’ mình. Thế là mình thoát. Khi mình về nhà, thấy chú ngồi đấy nói chuyện với bố mình, và vẫn như mọi khi, nhảy ra ôm hôn mình trước mặt bố, mình lại thấy sợ. Sau đó mình đã kểlại sự việc với bố nhưng bố mình không quan tâm,” T nhớ lại.
Sự sợ hãi sau lần đụng chạm ấy đi theo T. suốt tuổi thơ, là bức tường ngăn cách cô với những bạn trai cùng trang lứa.
Nghe đứa bạn gái hạnh phúc thủ thỉ về lần đầu tiên cầm tay bạn trai, sự rung cảm thiêng liêng lần đầu tiên chúng nó ôm hôn, lần đụng chạm tay đầu tiên như thế nào, T. cảm thấy ghen tỵ vì cô không thể nào có được khoảnh khắc ấy.
“Mình luôn nhớ lần đầu tiên của mình với sự kinh tởm trào dâng. Mình chưa bị hiếp, nhưng đã bị ấu dâm, bị dâm ô. Mình lớn lên với sự khiếm khuyết ấy. Đến bây giờ, cứ vô tình xem bộ phim có cảnh ấu dâm là mình không bình tĩnh được. Cứ đọc tin về ấu dâm mình ngồi khóc, oán hận cào xé. Mình luôn muốn vạch tội kẻ ác thú. Nhưng lại câm nín vì có hay gì, có chữa được gì đâu, có ai bảo vệ mình đâu, bố mẹ mình còn kệ nữa là. Cứ như vậy, vật vã, dằn vặt, tự nuốt căm hờn đến bây giờ,” T. tâm sự.
Rồi gương mặt đó, hành vi đó đã đi theo và ám ảnh cô trong suốt nhiều năm dài. Những tổn thương thể xác không dai dẳng và đáng sợ bằng những di chứng tâm lý. “Và tôi đã là một đứa trẻ có một tuổi thơ bị đánh cắp như thế…” Đó là những lời tâm sự nhói lòng của T. – một nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Sang chấn tâm lý có thể đi theo suốt đời
Có không ít đứa trẻ đã bị hoảng loạn trong một thời gian dài, thậm chí những đứa trẻ ấy, đến khi lớn lên vẫn bị ám ảnh…
Nạn nhân của hành vi ấu dâm (lạm dụng tình dục trẻ em) thường phải gánh chịu những hậu quả nặng nề trong thời gian dài, thậm chí suốt đời.
Tiến sỹ Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Quấy rối tình dục thường gây ra các sang chấn tâm lý kinh khủng đối với trẻ em. Nỗi sợ hãi ấy có thể gây ám ảnh suốt cuộc đời một đứa trẻ. Một sang chấn rất kinh khủng ở nữ giới hay gặp đó là vấn đề lạm dụng tình dục, hoặc là nam giới cũng vậy. Những trẻ từng bị quấy rối, xâm hại tình dục thường rất dễ gặp phải các rối loạn stress sau sang chấn.”
Bác sỹ Tâm cho hay, tại bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị stress liên quan đến lạm dụng tình dục, liên quan đến ấu dâm…
Theo tiến sỹ Dương Minh Tâm, các sang chấn tâm lý thường gặp phải khi bản thân bị hành hạ hoặc bị xâm hại tình dục. Những hình ảnh đó được tiếp nhận đầy đủ trong đầu người bị lạm dụng hoặc người chứng kiến dẫn đến những trải nghiệm cảm xúc kinh sợ gắn sâu hết vào tâm trí người bị hại. Sau khi chuyện đó xảy ra, người bệnh hay xuất hiện các hồi ức, hình ảnh, cảm giác hay gặp lại, kể cả lúc bệnh nhân đang thức hay trong giấc mơ, những hình ảnh đó đều có thể xuất hiện trong đầu trở lại.
Bác sỹ Tâm phân tích: “Ngay sau khi trẻ bị quấy rối, xâm hại tình dục, trẻ luôn bị ám ảnh bởi những hình ảnh khủng khiếp. Những hình ảnh, trải nghiệm đó làm cho bệnh nhân sợ hãi, mất tập trung, người bệnh buồn phiền, xấu hổ, mất tự tin, họ thu mình, dẫn đến ức chế tư duy để phát triển.
Tình trạng đó gần như cứ kéo dài suốt đời, âm thầm gây tổn hại đến sức kCó rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện điều trị sau sang chấn bị quấy rối tình dục. Họ có rất nhiều triệu chứng và than phiền với bác sỹ. Tuy nhiên, không phải ca bệnh nào cũng điều trị thành công được, bởi có khá nhiều bệnh nhân không vượt qua được mặc cảm, họ không nói thật với bác sỹ về những cú sốc mà họ gặp phải.
“Có một nữ bệnh nhân 20 tuổi, tôi điều trị rất lâu khỏi, vì bệnh nhân không nói thực tình trạng của mình, những nguyên nhân do đâu. Trải qua quá trình rất lâu, thậm chí là cả năm trời, đến khi mối quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân, khi họ đạt đủ niềm tin, đặt đủ sự trông cậy họ mới nói ra nguyên nhân sâu xa do khi còn nhỏ bị lạm dụng tình dục. Khi bệnh nhân nói ra được nguyên nhân đó, phác đồ điều trị của chúng tôi dễ dàng hơn, với tỷ lệ thành công cao. Nếu bệnh nhân không nói nguyên nhân thì 100% việc điều trị không thành công,” bác sỹ Tâm cho hay.
Qua nhiều năm điều trị cho các bệnh nhân ở đây, bác sỹ Tâm chia sẻ: “Lạm dụng tình dục ở Việt Nam còn rất cao, đây vẫn còn là tảng băng trôi, dường như chúng ta vẫn chưa khai thác được, chưa thống kê được chính xác.
Chúng tôi gặp bệnh nhân bị lạm dụng tình dục rất nhiều, đặc biệt đa phần các trường hợp bị lạm dụng tình dục hay bị bởi người thân hơn như: anh trai em gái, chú bác, người lớn trong nhà, hàng xóm…”
Hậu quả là, những em bé đó sẽ bị sang chấn rất nhiều. Điều này tạo ra gánh nặng về xã hội vì kinh tế, gánh nặng cho người bệnh, chất lượng cuộc sống…
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, các rối loạn ám ảnh (OCD) là một trong 20 nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật liên quan đến bệnh tật cho con người.
OCD có tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống và có thể làm giảm đáng kể mức độ hoạt động người bệnh.
Trong khi đó, tỷ lệ ám ảnh sợ xã hội có xu hướng gia tăng với tỷ lệ tăng lên khoảng 14% trong độ tuổi vị thành niên. Ám ảnh xã hội ngày càng trở nên phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới trong độ tuổi vị thành niên và trưởng thành./.
Bài 2: Xâm hại tình dục trẻ em - Phần nổi của tảng băng trôi