Trong thời gian qua, sau khi Nhà máy tinh bột sắn Thuận Châu triển khai việc san ủi mặt bằng, tại xã Nong Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã xuất hiện tình trạng tranh chấp quyền sử dụng đất giữa một số hộ dân.
Tình trạng này đã dẫn đến việc mất an ninh, trật tự và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong khu vực.
San lấp mặt bằng khi chưa đủ điều kiện
Dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn huyện Thuận Châu được Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 129/QĐ-UBND ngày 15/1/2019. Theo đó, nhà máy được xây dựng tại bản Co Quyên, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu.
Quy mô dự án 8,529ha, công suất thiết kế 400 tấn sản phẩm/ngày đêm, chia thành hai giai đoạn (2018-2020 và 2021-2022). Chủ dự án là Công ty Cổ phần chế biến tinh bột sắn Thuận Châu, với mức vốn đầu tư 295 tỷ đồng.
Đến ngày 26/6/2019, Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu mới có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại huyện Thuận Châu.
Tuy vậy, trong quý 1 năm 2019, dù chưa có hồ sơ thiết kế cơ sở, quy hoạch 1/500; chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, Công ty Cổ phần chế biến tinh bột sắn Thuận Châu đã triển khai hoạt động san lấp mặt bằng tại vị trí thực hiện dự án.
Trước thực trạng đó, ngày 11/4/2019 Ủy Ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành công văn yêu cầu Công ty Cổ phần chế biến tinh bột sắn Thuận Châu chấm dứt các hoạt động chuẩn bị mặt bằng tại vị trí dự kiến thực hiện dự án và chỉ được tổ chức thực hiện sau khi hoàn thiện các thủ tục đầu tư của dự án theo đúng Quyết định chủ trương đầu tư đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La phê duyệt. Như vậy, việc nhà đầu tư tự ý san lấp mặt bằng đã vi phạm các hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thi công khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Ông Phạm Đình Đức, Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thuận Châu, cho biết hiện nay báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được đơn vị gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La và đang chờ phê duyệt.
Ngoài ra, Công ty đã làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La liên quan đến thẩm định công nghệ của dự án.
Đối với việc san lấp mặt bằng, sau khi có chỉ đạo của tỉnh Sơn La, Công ty đã nhận trách nhiệm và dừng mọi hoạt động để chờ hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Tranh chấp về quyền sử dụng đất
Tại khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thuận Châu những ngày gần đây xuất hiện tình trạng một số hộ dân xã Nong Lay đến trồng ngô. Họ là những người đang có tranh chấp đất đai với chủ của khu đất xây dựng nhà máy. Người dân ở đây cho rằng những diện tích đất này vẫn thuộc sở hữu của họ nên họ có quyền trồng các loại cây nông nghiệp.
Chủ của khu đất đang xảy ra tranh chấp tại khu vực dự kiến sẽ xây dựng nhà máy là ông Nguyễn Văn Quân, trú tại bản Co Quên, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu.
Vào tháng 8/2018 gia đình ông Nguyễn Văn Quân đã chuyển nhượng 8,6ha đất nông nghiệp cho Công ty Cổ phần chế biến tinh bột sắn Thuận Châu để xây dựng nhà máy. Khu đất này do gia đình ông Quân nhận chuyển nhượng của 13 hộ dân trong vùng từ năm 1999.
Trước đó, vào ngày 7/5/2019, 13 hộ dân tại các bản Bó Mạ, Co Kham, Co Quên, xã Nong Lay đã gửi đơn tới Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu đề nghị giải quyết việc tranh chấp 2,6 ha đất giữa họ với ông Nguyễn Văn Quân.
Các hộ dân này cho rằng trước đây họ chỉ cho gia đình ông Quân mượn đất chứ không chuyển nhượng.
[Làm rõ vụ san ủi đất, phân lô, làm đường trái phép ở Đà Lạt]
Ông Lường Văn Cu, trú ở bản Bó Mạ, xã Nong Lay, cho biết: Trước đây bố mẹ ông cùng một số hộ khác trong bản đã cho gia đình ông Nguyễn Văn Quân mượn đất để trồng ngô giống. Từ đó đến nay gia đình ông không sử dụng đến diện tích đất đã cho mượn.
Nghe tin dự án nhà máy chế biến tinh bột sắn sắp được triển khai, ông đã yêu cầu ông Quân trả lại đất để nhận tiền đền bù. Hiện nay trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông vẫn còn thể hiện khu vực đất mà ông Nguyễn Văn Quân cho rằng đã sang nhượng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Quân, việc 13 hộ dân cho rằng ông mượn đất của gia đình họ là không đúng, tất cả diện tích đất nói trên đã được gia đình ông mua lại. Gần 20 năm nay gia đình ông vẫn sử dụng đất ở đây và không có tranh chấp với các hộ xung quanh.
Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian qua huyện Thuận Châu đã tổ chức đối thoại với các hộ dân trong khu vực xảy ra tranh chấp đất đai; đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La rà soát hồ sơ địa chính, quy chủ để phục vụ công tác giải quyết tranh chấp đất đai tại khu vực dự kiến triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn.
Ông Tạ Đăng Hải, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Thuận Châu, cho biết: Vừa qua Ủy ban nhân dân huyện đã có quyết định thành lập Tổ công tác để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án nhà máy chế biến tinh bột sắn.
Cùng với đó, huyện Thuận Châu đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La cho ý kiến đối với kế hoạch xác minh nguồn gốc quá trình sử dụng đất, quy chủ các thửa đất tại khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thuận Châu.
Theo kế hoạch này, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày 3/7, Tổ công tác của huyện Thuận Châu sẽ tiến hành xác minh nguồn gốc đất và đưa ra kết luận để làm cơ sở giải quyết tranh chấp giữa các hộ gia đình.
Quá trình xác minh sẽ được Tổ công tác của huyện Thuận Châu thực hiện theo 11 bước, trong đó có bước xác minh hồ sơ địa chính, các tài liệu liên quan đang lưu trữ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thuận Châu và kết quả khai thác thông tin tại Trung tâm công nghệ thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La.
Cùng với đó, Tổ công tác sẽ phát tờ khai cho các hộ dân có tranh chấp để họ kê khai thông tin về thửa đất, diện tích, vị trí liền kề. Sau khi có những thông tin ban đầu, Tổ công tác sẽ tiến hành xác minh ngoài thực địa.
Trong quá trình này nếu các thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn lên các thửa đất đã được cấp thì sẽ không được công nhận.
Ngoài ra, nếu các thửa đất không chồng lấn lên diện tích đã được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất sẽ được xem xét, tổng hợp đối chiếu với các quy định của pháp luật để quy chủ./.