Xác minh lý lịch tư pháp: Cần tránh lãng phí thời gian của người dân?

Cần thiết nghiên cứu, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về mục đích, yêu cầu sử dụng phiếu lý lịch tư pháp, tránh trường hợp yêu cầu người dân xác minh lý lịch tư pháp không cần thiết.

Chạy xe ôm, đi thực tập cũng cần… lý lịch tư pháp

Anh Nguyễn Đức Nghiêm mệt mỏi chờ đợi xác minh lý lịch tư pháp để đăng ký chạy xe ôm công nghệ. (Ảnh: Lê Đức/Vietnam+)

Đến Sở Tư pháp Hà Nội để làm thủ tục xác minh lý lịch tư pháp vào sáng thứ Sáu ngày 7/4, tuy nhiên phải đến trưa thứ Ba tuần sau đó, anh Nguyễn Đức Nghiêm, trú tại quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội mới đến lượt xử lý hồ sơ theo số thứ tự của mình. Dự kiến anh sẽ phải chờ thêm từ 3 đến 5 ngày nữa, để có thể lấy được phiếu xác minh lý lịch tư pháp. Theo anh Nghiêm, đây là yêu cầu bắt buộc của công ty khi anh đăng ký chạy xe ôm công nghệ.

Cũng vào thứ 6 tuần qua, từ sáng sớm anh Trương Đức Hoàng đã phải di chuyển từ huyện Ba Vì đến Sở Tư pháp Hà Nội xếp hàng chờ đợi làm phiếu lý lịch tư pháp. Sắp tới anh Hoàng sẽ đi thực tập tốt nghiệp tại một doanh nghiệp, và phòng nhân sự nơi anh thực tập đã yêu cầu lý lịch tư pháp kèm theo hồ sơ.

Người dân xếp hàng lấy số làm thủ tục xác minh lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội vào ngày 7/4. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Việc các công ty, doanh nghiệp yêu cầu người dân cung cấp lý lịch tư pháp trong công tác nhân sự là một trong những lý do khiến người dân phải xếp hàng đến Sở Tư pháp Hà Nội làm thủ tục xác minh. Một số thời điểm người dân đến rất đông đã gây quá tải cho hệ thống, khiến người dân mất nhiều thời gian chờ đợi trong những ngày qua.

Tùy ý yêu cầu người dân cung cấp lý lịch tư pháp?

Theo Luật lý lịch tư pháp 2009, “Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản”.

Hiện nay thì căn cứ tại điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định thì phiếu lý lịch tư pháp sẽ có hai loại là phiếu lý lịch tư pháp số 1 và còn lại là phiếu lý lịch tư pháp số 2. Tùy vào mỗi phiếu lý lịch tư pháp khác nhau mà sẽ có những mục đích sử dụng khác nhau. Cụ thể:

– Chứng minh tình trạng án tích của một cá nhân, có bị cấm đảm nhiệm các chức vụ hay thành lập, quản lý công ty hay không.

– Ghi nhận việc xoá án tích của một cá nhân.

– Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và hoạt động thống kê tư pháp hình sự.

– Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…

– Bổ sung hồ sơ xin việc làm tại Việt Nam của người nước ngoài, xin giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Mặc dù mục đích sử dụng đã rõ, tuy nhiên theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, hiện pháp luật Việt Nam chưa có quy định về các trường hợp yêu cầu người dân phải cung cấp lý lịch tư pháp mà chỉ có quy định về mục đích quản lý lý lịch tư pháp. Việc không có quy định rõ ràng khiến nhiều công ty, doanh nghiệp đã tùy ý yêu cầu người dân cung cấp lý lịch tư pháp.

Luật sư Diệp Năng Bình, trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật trả lời phỏng vấn Báo điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Vì vậy theo luật sư Bình, cần thiết nghiên cứu, rà soát đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về mục đích, yêu cầu sử dụng phiếu lý lịch tư pháp, tránh trường hợp cơ quan, doanh nghiệp yêu cầu người dân xác minh lý lịch tư pháp trong trường hợp không cần thiết, gây lãng phí thời gian, phiền hà giấy tờ cho nhân dân.

[Tại sao xảy ra tình trạng người dân xếp hàng xin lý lịch tư pháp?]

Đây cũng là mong muốn chung của nhiều người dân đang xếp hàng chờ đợi xin lý lịch tư pháp. “Tôi thấy nhiều doanh nghiệp không cần thiết phải yêu cầu nhân viên xin lý lịch tư pháp. Hy vọng rằng trong tương tai khi cấp giấy phép thành lập công ty, doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng sẽ đánh giá tính chất của công ty đó để cho phép họ có quyền yêu cầu lý lịch tư pháp của người dân hay không!” Anh Nguyễn Đình Bá, sống tại huyện Sóc Sơn chia sẻ.

“Đặc biệt cần phải nêu rõ mục đích, yêu cầu sử dụng phiếu lý lịch tư pháp trong văn bản luật một cách chi tiết. Việc này sẽ làm cho mục đích sử dụng phiếu lý lịch tư pháp rõ ràng hơn, làm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp một cách nhanh chóng và hiệu quả, tránh số lượng quá tải của người dân khi yêu cầu xin cấp phiếu lý lịch tư pháp.” Luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.

Nên phát triển lý lịch tư pháp điện tử

Theo luật sư Diệp Năng Bình, với sự phát triển công nghệ và mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, việc nghiên cứu và phát triển phiếu lý lịch tư pháp điện tử là rất cần thiết, điều này sẽ tạo thuận lợi cho cả Sở Tư pháp và công dân. Thế nhưng cũng cần phải đồng bộ với các quy định khác khi đưa phiếu lý lịch tư pháp điện tử vào luật. Cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ cơ sở pháp lý để có đủ căn cứ quy định phiếu lý lịch tư pháp điện tử có giá trị tương đương so với phiếu lý lịch tư pháp giấy truyền thống.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu tích hợp dữ liệu tư pháp và căn cước công dân gắn chip. Việc này thực sự cần thiết bởi nó sẽ tạo ra sự thuận tiện về thủ tục hành chính, giảm tải giấy tờ hành chính cho người dân. “Tôi mong rằng trong tương lai các nhà làm luật, cơ quan có thẩm quyền có quy định pháp luật về tích hợp dữ liệu lý lịch tư pháp vào căn cước công dân gắn chip, tạo sự thuận lợi cho việc cải cách thủ tục hành chính cũng như tạo sự thuận tiện cho người dân.” Luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục