Sáng 29/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 với các điểm cầu tại trụ sở Ủy ban Nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tham luận, đóng góp ý kiến xác đáng, thiết thực trên cơ sở thực tiễn của các địa phương trong hoạt động quản lý văn hóa, du lịch. Điều này sẽ giúp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện Chiến lược, Chương trình hành động một cách khoa học, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính thực tiễn, khả thi; xây dựng sự đồng thuận xã hội như một nguồn lực để thực hiện thành công chính sách.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thành công tốt đẹp. Nghiên cứu nghị quyết và những luận điểm mới Đại hội đề ra, nhất là trong 6 nhiệm vụ trọng tâm thì nhiệm vụ thứ tư về văn hóa đã được nghị quyết xác định rất rõ ràng, đặt ra vấn đề về nhiệm vụ cho ngành văn hóa, thể thao, du lịch phải cụ thể hóa để thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm này.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng đề cương, tiến hành tổng kết thực hiện Chiến lược văn hóa giai đoạn trước và xây dựng Chiến lược văn hóa mới, nội hàm trọng tâm là đảm bảo được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. Đó là khơi dậy và phát huy được khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh trong đó văn hóa được xác định là động lực của sự phát triển, là yếu tố nội sinh, mục tiêu xây dựng văn hóa là hướng tới xây dựng con người Việt Nam theo hướng chân, thiện, mỹ...
[Năm Du lịch Quốc gia 2021: Tập trung phát triển các sản phẩm mới]
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở tổng kết chiến lược văn hóa giai đoạn trước đã dự thảo chiến lược giai đoạn mới, xin ý kiến của các đơn vị, địa phương, tiếp thu, hoàn thiện. Đây là vấn đề khó và mới nên, dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đã được giảm bớt tính hàn lâm, phát triển quan điểm, luận điểm mới của Nghị quyết để đề ra các giải pháp phù hợp để khi thực hiện đạt được hiệu quả cao; thực chất hơn...
Trong các nhóm nhiệm vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hóa lành mạnh là cái gốc của Chiến lược lần này, cần tập trung thực hiện, địa bàn hướng tới là cơ sở dân cư, cộng đồng doanh nghiệp. Nếu đầu tư đúng hướng, đúng trọng điểm sẽ tạo ra môi trường văn hóa tốt, đời sống văn hóa tốt sẽ góp phần xoay chuyển tình thế...
Việc xây dựng một chính phủ hành động và kiến tạo đòi hỏi một tư duy mới về quản lý văn hóa. Theo đó, quản lý văn hóa cần hướng tới sự chủ động hỗ trợ hoạt động văn hóa-nghệ thuật, tiếp cận gần hơn quy luật thị trường trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa...
Về du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2020. Đây là cơ sở để chúng ta cụ thể hóa Chiến lược bằng chương trình hành động.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các bên liên quan tổng kết các chiến lược, kế hoạch hành động về du lịch, nhất là sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ thực tiễn đó nhìn nhận và đánh giá.
Trước khi xảy ra dịch COVID-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phấn đấu đưa du lịch Việt Nam từng bước tiếp cận với các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 08. Năm 2019, du lịch Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước với gần 10% vào GDP. Nhưng “cơn bão” mang tên COVID-19 đã khiến du lịch Việt Nam và thế giới gặp nhiều khó khăn. Điều này đặt ra cho việc xây dựng chương trình hành động phải đảm bảo vượt khó và phát triển trong tương lai lâu dài.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thiết kế Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 theo hướng đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ để khắc phục sau khi dịch bệnh được đẩy lùi. Tiếp đến là thay đổi trong cách tư duy và tiếp cận. Đó là cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán để cân bằng lại thị trường khách quốc tế và nội địa để đi bằng hai chân, có tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên và lộ trình; không lựa chọn tỷ lệ lượt khách đến mà tính toán khả năng chi tiêu của khách khi đến, đóng góp cho phát triển kinh tế...
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá cao nội dung cũng như tính khả thi của dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 với những kế hoạch chi tiết, lý luận, thực tiễn đầy đủ. Nếu triển khai đầy đủ, thành công tất cả các nhiệm vụ, giải pháp này trong 5 năm tới, du lịch của Việt Nam sẽ trở lại thời kỳ huy hoàng của những năm trước, là ngành kinh tế mũi nhọn như đã mong ước.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đóng góp ý kiến liên quan đến phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến quảng bá và kích cầu du lịch trong bối cảnh bình thường mới.../.