Xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức vụ chìm tàu trên sông Gành Hào

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng và cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng của tàu cá chở người trên tuyến luồng đường thủy.
Hiện trường vụ tai nạn chìm tàu. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Liên quan đến vụ chìm tàu đánh bắt thủy sản xảy ra tại Lễ hội Nghinh Ông trên sông Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) vào sáng 6/4, khiến ba người chết và nhiều người bị thương, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 4647, ngày 8/5/2017 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về vụ tai nạn này.

Theo công văn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu phân tích, đánh giá về công tác tổ chức và bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại Lễ hội Nghinh Ông năm 2017, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng của tỉnh, Ủy ban Nhân dân huyện Đông Hải và cá nhân người đứng đầu có liên quan đến việc để xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng của tàu cá chở người trên tuyến luồng đường thủy nội địa; rút ra bài học kinh nghiệm để không lặp lại vụ việc tương tự trong các lễ hội khác.

Qua đó, rà soát, đánh giá kế hoạch tổ chức các hoạt động, lễ hội diễn ra trên vùng nước đường thủy nội địa, hàng hải, có phương án bảo đảm an toàn giao thông và phương án cứu hộ cứu nạn.

[Tìm thấy thi thể nạn nhân mất tích vụ chìm tàu trên sông Gành Hào]

Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát và yêu cầu tất cả người dân khi đi trên phương tiện để tham dự lễ hội đều phải mặc áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu yêu cầu địa phương khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện tổng kiểm kê phương tiện và bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký, đăng kiểm và sát hạch lấy bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Lập quy hoạch hướng dẫn hỗ trợ người dân và tổ chức cấp phép hoạt động và quản lý chặt chẽ đối với các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn.

Các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh ven biển, cửa sông, cửa biển, quy hoạch và sắp xếp việc neo đậu tàu thuyền đảm bảo trật tự, an toàn; nghiên cứu, đánh giá nhu cầu thực tiễn về việc sử dụng tàu cá để chở người như trường hợp ở Lễ hội Nghinh Ông để sửa đổi, bổ sung các quy định đối với việc sử dụng tàu cá cho phù hợp với thực tế xã hội.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa, Cục Hàng hải Việt Nam chủ động hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án bảo đảm an toàn giao thông cho các hoạt động du lịch và khi tổ chức các hoạt động văn hóa-xã hội trên vùng nước thủy nội địa, tuyến luồng hàng hải; khẩn trương tiến hành tổng điều tra phương tiện thủy và cảng bến thủy nội địa; tăng cường kiểm tra chấn chỉnh và hướng dẫn Sở Giao thông vận tải các địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là trong quản lý an toàn kỹ thuật, phương tiện và cảng bến thủy nội địa.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quan tâm đầu tư, mua sắm trang thiết bị, tăng cường lực lượng và huấn luyện, diễn tập về cứu hộ, cứu nạn và khắc phục tai nạn giao thông, sự cố trên đường thủy nội địa cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và an toàn giao thông đường thủy nội địa nói riêng.

Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 6/4, khi đoàn tàu tham gia dự Lễ hội Nghinh Ông tiến ra biển làm lễ rước Ông, tàu cá biển số BL 93322 của bà Trần Thị Nới (sinh năm 1946, ngụ ấp 2, thị trấn Gành Hào), do tài công Doãn Văn Nam (sinh năm 1982, con rể bà Nới) điều khiển bất ngờ lật úp tại khu vực sông Gành Hào (thuộc ấp 4, thị trấn Gành Hào), cách cửa biển Gành Hào khoảng 2km.

Vụ tai nạn làm ba người tử vong gồm Lê Ngọc Hân (sinh năm 2002), Lưu Thị Mỹ Duyên (sinh năm 1998) cùng ngụ thị trấn Gành Hào và Trần Tú Trân (sinh năm 2000, ấp Cây Giang, xã Long Điền, huyện Đông Hải), 17 người bị thương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục