Xác định nguyên nhân hơn 100 tấn cá lồng chết trên sông Thái Bình

Kết quả đo nhanh mẫu nước do người dân lấy tại khu vực lồng cá vào 19 giờ và 22 giờ ngày 6/3 cho thấy hàm lượng ôxy hòa tan trong nước không đạt quy chuẩn Việt Nam.
Cá chết nổi trắng mặt nước. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Ngày 12/3, thông tin từ Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết nguyên nhân khiến hơn 100 tấn cá lồng của các hộ dân nuôi trên sông Thái Bình thuộc địa bàn xã Nhân Huệ, thành phố Chí Linh, bị chết ngày 6/3 là do thiếu ôxy và có thể do nước sông ô nhiễm.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, kết quả đo nhanh mẫu nước do người dân lấy tại khu vực lồng cá vào 19 giờ và 22 giờ ngày 6/3 cho thấy hàm lượng ôxy hòa tan trong nước (DO) là 0,92 mg/l và 1,45 mg/l, không đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN 08-MT:2018/BTNMT) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (DO>= 4 mg/l).

Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương tiếp tục lấy mẫu nước sông tại đây ngày 7 và 8/3 để phân tích, xét nghiệm.

[Vụ cá chết phủ trắng mặt hồ Đại An: Do thiếu ôxy nghiêm trọng]

Trước đó, khoảng 19 giờ ngày 6/3, tại các lồng nuôi cá của nhân dân trên sông Thái Bình, đoạn đi qua địa phận thôn Chí Linh 1 và 3 thuộc xã Nhân Huệ, thành phố Chí Linh (điểm hợp lưu tiếp nhận nước từ sông Đuống, sông Cầu chảy vào địa phận tỉnh Hải Dương) xảy ra hiện tượng cá ngoi lên đớp và đến 20 giờ cùng ngày thì cá bắt đầu chết.

Theo phản ánh của các hộ dân nuôi cá, thời điểm xảy ra sự cố, nước sông Thái Bình có màu đen, mùi hôi. Hiện tượng này hàng năm đều xảy ra nhưng ảnh hưởng đến hoạt động nuôi cá là không lớn.

Các hộ dân đã chủ động tăng cường bơm sục ôxy, trong đó có 4 hộ dân đã thuê phương tiện kéo lồng cá sang bờ sông đối diện (địa phận tỉnh Bắc Ninh) để giảm thiệt hại.

Người dân vớt cá chết để đưa đi chôn lấp. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Nhân Huệ, hoạt động nuôi cá lồng trên địa bàn xã diễn ra từ năm 2000. Số lượng hộ nuôi cũng như số lồng cá ngày càng tăng.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Nhân Huệ, hiện có 30 hộ nuôi 250 lồng cá. Khu vực bị ảnh hưởng có chiều dài khoảng 1,5km, 12 hộ dân với tổng số 73 lồng cá bị ảnh hưởng, lượng cá chết là 121,9 tấn chủ yếu là cá lăng và trắm cỏ (hộ thiệt hại ít nhất là 1 tấn và hộ thiệt hại nhiều nhất là 51 tấn).

Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đã liên hệ với Chi cục Bảo vệ môi trường các tỉnh lân cận thì được biết thời gian gần đây, khu vực sông Cầu (Bắc Ninh) chảy qua địa bàn xã Việt Thống, xã Nhân Hòa, xã Phù Lãng của huyện Quế Võ, nước sông cũng có màu đen, có mùi hôi thối và có hiện tượng cá tự nhiên chết nhiều trên sông.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương rà soát lại hiện trạng hoạt động nuôi cá lồng trên địa bàn, giải quyết tình trạng nuôi cá lồng tự phát để đảm bảo khoảng cách an toàn, vệ sinh môi trường và xác minh các yếu tố cộng hưởng gây nên hiện tượng cá chết. Chính quyền các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh xả thải không đảm bảo quy định.

Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Hải Dương) phối hợp với các tỉnh phía thượng nguồn có nguồn xả thải điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan chức năng các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu nắm chắc chất lượng nước sông, ô nhiễm môi trường, tổ chức quan trắc môi trường tại các điểm tiếp nhận nước sông vào địa bàn tỉnh Hải Dương; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt trạm quan trắc tự động nước mặt sông để phát hiện kịp thời tình trạng ô nhiễm nguồn nước, cảnh báo các địa phương và người dân để kịp thời ứng phó, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng các nguồn ô nhiễm từ phía thượng nguồn chảy về./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục