Xác định giá trị pháp lý, trách nhiệm quản lý giao dịch điện tử

Cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội chuyên trách đề nghị phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và xác định giá trị pháp lý của giao dịch điện tử.
Xác định giá trị pháp lý, trách nhiệm quản lý giao dịch điện tử ảnh 1Toàn cảnh phiên họp thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) . (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 6/4, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết Thường trực Ủy ban tán thành quy định về phạm vi điều chỉnh tại dự thảo Luật do Chính phủ trình.

Để có thêm cơ sở giải trình, tiếp thu các ý kiến đối với quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, Thường trực Ủy ban đã phối hợp với cơ quan soạn thảo, tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng thực tiễn triển khai tại Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và nhận thấy, dự thảo Luật đã quy định tương đối rõ ràng việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử (Điều 7).

Nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội và Bộ Quốc phòng, Điều 7 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, dự kiến như sau: "Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giao dịch điện tử. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử theo quy định của Luật này. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.”

[Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ khi sửa đổi Luật Giao dịch điện tử]

Đối với ý kiến của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc phòng và An ninh về bổ sung nội dung “Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ” tại Điều 7 dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban nhận thấy, trong thời gian vừa qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai có hiệu quả việc xây dựng hệ thống và cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban thấy rằng, việc bổ sung quy định Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (dự kiến trong dự thảo Luật được chỉnh lý thành Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ) cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Lý do là Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định quản lý về cơ yếu, trong đó bao gồm hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đây là hoạt động xây dựng, phát triển một hệ thống cụ thể, cung cấp dịch vụ công về chữ ký số chuyên dùng.

Bên cạnh đó, quản lý, triển khai hệ thống chữ ký số chuyên dùng Chính phủ không phải là một hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về cơ yếu. Bởi lẽ, theo Luật Cơ yếu, hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, sử dụng nghiệp vụ mật mã, kỹ thuật mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, do lực lượng chuyên trách đảm nhiệm, khác với mục tiêu chính của việc sử dụng chữ ký số là để xác nhận sự chấp thuận, chống chối bỏ của chủ thể ký đối với nội dung văn bản được ký.

Chữ ký số nói chung cũng như chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được sử dụng để ký các văn bản điện tử của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong các giao dịch điện tử. Hầu hết các giao dịch này không thuộc lĩnh vực bí mật nhà nước.

Ngoài ra, việc tách bạch rõ ràng giữa cung cấp dịch vụ và quản lý nhà nước sẽ bảo đảm tính khách quan, minh bạch, thúc đẩy phát triển các giao dịch điện tử. Ban Cơ yếu Chính phủ đã và đang là một tổ chức duy nhất cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (theo Nghị định 130/2018/NĐ-CP).

Nếu dự thảo Luật bổ sung quy định thêm chức năng quản lý nhà nước thì Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ vừa là tổ chức cung cấp dịch vụ đồng thời lại là cơ quan quản lý nhà nước đối với dịch vụ này. Hơn nữa, chức năng quản lý nhà nước về chữ ký số nếu được giao cho hai cơ quan khác nhau sẽ không phù hợp với xu thế phát triển trong lĩnh vực này.

Cân nhắc tính khả thi

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) khẳng định đây là đạo luật rất khó nhưng được đầu tư công phu, kỹ lưỡng; nhiều nội dung đại biểu góp ý đã được chỉnh lý, bổ sung.

Đây cũng là đạo luật được coi là “Hiến pháp” của chuyển đổi số, bởi Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 chuyển đổi số đạt được 20% GDP.

Dự án Luật là một trong những nền tảng quan trọng để đạt được mục tiêu chuyển đổi số là một trong những động lực phát triển đất nước. Vì vậy, đại biểu đồng tình với phạm vi điều chỉnh như Báo cáo giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Xác định giá trị pháp lý, trách nhiệm quản lý giao dịch điện tử ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết qua rà soát, còn nhiều vấn đề liên quan đến chuyên môn kỹ thuật, do đó cần cân nhắc tính khả thi của những quy định trong dự thảo Luật. Theo đại biểu, điều quan trọng nhất là phải xác định được giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử để đi vào thực tiễn, đặc biệt là thuận tiện, không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi phí về bộ máy, con người, thiết bị…

Quan tâm đến việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong dự thảo Luật, đại biểu chỉ rõ, thời gian qua rất nhiều hoạt động lừa đảo, thậm chí là tội phạm trên môi trường mạng nhưng người tiêu dùng không thể phân biệt được. Vì vậy, việc rà soát để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tránh việc lợi dụng là cần thiết; cần rà soát hệ thống để bảo đảm an toàn, tránh bị xâm nhập.

Ngoài ra, đại biểu nhấn mạnh, hoạt động cơ yếu là hoạt động rất đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia và trực tiếp phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước, việc chỉ huy, chỉ đạo lượng vũ trang nhân dân. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ yếu cần được xác định rất rõ trong luật, không nên giao cho Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) nêu rõ công vụ là một hoạt động đặc biệt mang tính quyền lực pháp lý, được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước hoặc những người khác khi được Nhà nước trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các hoạt động của đời sống xã hội.

Chữ ký số là chữ ký của những người có thẩm quyền, trọng trách. Mỗi văn bản, giao dịch công vụ đều tác động rất lớn đến nhân dân, đến quốc gia, dân tộc. Do đó, cần phải được quản lý, cung cấp, bảo mật hết sức chặt chẽ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục