Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chia sẻ về thất bại tại SEA Games 29

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ vì chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ tại SEA Games 29, đồng thời chia sẻ lý do đã khiến anh không thể hoàn thành tốt các nội dung thi đấu.
Nỗi buồn của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sau khi bị loại ở nội dung 50m súng ngắn nam. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ vì chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ tại SEA Games 29, anh cũng chia sẻ rằng áp lực và yếu tố tâm lý đã khiến anh không thể hoàn thành tốt các nội dung thi đấu ở SEA Games lần này.

Phát biểu với báo giới, Hoàng Xuân Vinh bày tỏ sự cảm ơn đối với người hâm mộ và báo chí đã quan tâm tới bắn súng trong thời gian vừa qua.

Anh nói: "Cá nhân tôi xin gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ và đồng nghiệp vì chưa hoàn thành nhiệm vụ thật tốt trong kỳ SEA Games này. Tuy nhiên, đối với thể thao, nhất là bắn súng, thì mọi người cũng đã biết diễn biến trạng thái tâm lý rất phức tạp. Chúng tôi đến với SEA Games 29 lần này có một số yếu tố, chẳng hạn nước chủ nhà Malaysia đã cắt giảm rất nhiều nội dung, trong đó có các nội dung đồng đội, dẫn đến các vấn đề về mặt tâm lý." 

"Với cá nhân tôi, là một trong những vận động viên chủ chốt của đội tuyển, thì áp lực và trách nhiệm là rất lớn. Tôi cũng thừa nhận cho dù như thế đi chăng nữa thì tôi cũng đã chưa vượt qua chính mình."

"Trong thời điểm hiện tại, phong độ của tôi cũng chưa được tốt, dẫn đến là thay đổi về mặt trạng thái tâm lý không tốt. Tôi nghĩ sau một thời gian đạt tới đỉnh cao thì phải có lúc thay đổi lại một chút để làm mới hoặc là có những bước chuẩn bị cho tương lai xa hơn. Ở SEA Games này bản thân tôi chưa đạt được phong độ tốt. Vì thế, trong thời gian tới tôi sẽ rút kinh nghiệm để đề ra những hướng phát triển tốt hơn.”

["Thất bại ở SEA Games sẽ giúp Xuân Vinh tỏa sáng ở Olympic 2020"]

Nói thêm về bắn súng Việt Nam, Xuân Vinh cho biết: “Trước đây chúng tôi tham dự những giải như Asian Games hay World Cup là để kiểm tra khả năng thích ứng xem có thể tiến đến Olympic hay không. Tôi thấy rằng trong thời gian vừa qua, Liên đoàn bắn súng thế giới bắt đầu nghiên cứu và thay đổi chương trình thi đấu."

"Khi thay đổi luật chơi thì sẽ tạo nên sự hưng phấn cho vận động viên ở các quốc gia bị coi là kém hơn một chút. Nhờ thế, chúng ta phát huy được ưu điểm của mình ở những nội dung như chung kết chẳng hạn, tương tự như thế là vận động viên ở các quốc gia khác. Và vì thế nên bản đồ bắn súng bắt đầu có sự thay đổi. Tuy nhiên, xét về khía cạnh bề dày và nền tảng nhân lực thật tốt thì bắn súng Việt Nam đang bị hổng rất lớn."

Được đề nghị phân tích kỹ lưỡng về lỗ hổng của bắn súng Việt Nam, Xuân Vinh nói: “Trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, bắn súng Việt Nam chỉ có 1-2 vận động viên có thể giành được thành tích ở đấu trường châu lục và thế giới. Hiện tại, các câu lạc bộ đầu tư cho bắn súng rất ít. Hiện giờ tôi đang là huấn luyện viên trưởng của đội bắn súng Quân đội, cùng với Hà Nội là 2 câu lạc bộ mạnh nhất của bắn súng Việt Nam, mới chỉ được đầu tư 1 năm, với chúng tôi là hơn 1 tỷ đồng, còn các câu lạc bộ khác chỉ có khoản kinh phí chừng 200-300 triệu cho bắn súng. Như vậy đầu vào để tuyển vận động viên cho bắn súng rất hạn chế, và để đào tạo nâng cấp đưa lên đội tuyển quốc gia lại càng hạn chế."

"Chúng tôi phải sàng lọc rất nhiều mới có một danh sách vận động viên đưa lên đội tuyển quốc gia nhưng điều kiện của chúng ta lại không cho phép nhiều vận động viên được đi tập huấn cùng lúc. Nếu vận động viên bắn súng nào phát triển thật tốt thì mất khoảng 2 tới 3 năm, còn nếu không phải mất nhiều thời gian hơn nữa mới có thể ổn định".

Xuân Vinh cũng cho biết những quốc gia như Nhật Bản hay Hàn Quốc có chính sách đào tạo rất tốt, nên có nhiều vận động viên của họ chỉ mới 23-25 tuổi đã có huy chương vàng Asian Games, và gần 30 tuổi có thể giành huy chương vàng Olympic.

Anh cho rằng việc tìm kiếm lực lượng kế cận cho các nội dung thi đấu cá nhân rất hạn chế và đây chính là lỗ hổng của bắn súng Việt Nam.

Do vậy, bắn súng Việt Nam cần có thời gian và cả sự đầu tư mạnh hơn nữa thì mới có những hạt nhân có thể cạnh tranh ở những đấu trường như SEA Games, Asian Games và xa hơn là thế giới.

Theo Trưởng đoàn Trần Đức Phấn, bắn súng vẫn là mũi nhọn Asian Games và Olympic của Thể thao Việt Nam. Ông cho rằng bắn súng là môn thể thao rất đặc thù, dù không mất quá nhiều sức lực, song áp lực tâm lý lại rất lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục