Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) sẽ "biến mất" trong nhiều ngày trước khi đổ lỗi vụ thảm sát cho bất kỳ điều gì trừ luật về súng đạn, đồng thời thu về những khoản tiền vận động chính trị thực sự lớn, tác giả Adam Lusher đã viết như vậy trong phần mở đầu bài viết đăng tải trên Independent.
Tuần vừa qua là một tuần bận rộn với Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA). Tổ chức ủng hộ sở hữu vũ khí hàng đầu nước Mỹ đã khởi động bằng việc lên án "sự cuồng loạn, tin tức giả và hành động gây hoang mang" của những người ủng hộ kiểm soát súng đạn đang "tuyệt vọng tìm cách cản trở" đạo luật SHARE (chia sẻ) sẽ giúp những công dân đang sở hữu vũ khí dễ dàng mua ống giảm thanh hơn.
Đó là một thông điệp được dội tới từng hộ gia đình suốt cả tuần, khi NRA 5 lần tweet về luật quản lý ống giảm thanh chỉ trong ngày thứ Năm.
Một ngày thứ Sáu bận rộn đã chứng kiến NRA đăng liền 6 trong số 31 tweet trong tuần, cùng một dòng retweet tuyên bố: "Đây là thứ Sáu hoàn toàn tự động! Tổng quan về các loại súng máy M240 hạng nặng hiện đang được quân đội Mỹ sử dụng."
[Vụ xả súng tại Las Vegas: Khi giữ súng dễ như giữ... đồ chơi]
Tuy nhiên, hôm thứ Hai (2/10), sau khi Stephen Paddock sát hại 59 người bằng một khẩu súng bán tự động đã được chỉnh sửa để hoạt động tự động hoàn toàn, trang Twitter của NRA bỗng rơi vào sự im lặng lạ thường. Trang Facebook của NRA cũng vậy.
Trước đó, ngày 25/9, trang blog của tổ chức này vẫn còn chỗ để đăng một công thức làm món pastrami thịt nai, nhưng đến thứ Hai lại chẳng còn chỗ nào cho một bình luận về vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ - hay bất kỳ điều gì khác.
Theo các nhà quan sát, NRA đã quay lại với chiến thuật hiện đã trở thành thông lệ là "biến mất" sau một vụ xả súng. Thậm chí, những phát biểu của bà Hillary Clinton về việc phải "đứng lên chống lại NRA" cũng không thể khiến tổ chức này lên tiếng.
Đã dành tuần vừa qua để lên án "sự cuồng loạn" của những người phản đối luật về ống giảm thanh, nhưng NRA vẫn không nói gì khi bà Clinton nhận định: "Đám đông bỏ chạy khi nghe thấy tiếng súng. Hãy tưởng tượng con số người chết sẽ thế nào nếu hung thủ có ống giảm thanh, thứ mà NRA đang muốn được tạo điều kiện để dễ sở hữu hơn."
Hành động này, theo các nhà bình luận, không phải là vì xấu hổ mà chỉ là một chiến thuật hay dùng của NRA.
Josh Horwitz, giám đốc điều hành Liên minh Ngăn chặn Bạo lực Súng đạn cho biết, sau những vụ xả súng hàng loạt, NRA luôn trì hoãn việc đưa ra phản ứng: "Kế hoạch của họ là tránh mặt giới truyền thông tới khi mọi chuyện qua đi, rồi sau đó tìm một ai đó khác để đổ lỗi."
Chia sẻ với tờ Politico, ông Horwitz cho rằng chiến thuật này gần như không thay đổi trong suốt 28 năm ông quan sát NRA.
Sau vụ xả súng tại khuôn viên trường Công nghệ Virginia hồi tháng 4/2007 khiến 33 người thiệt mạng, NRA đã mất 4 ngày để đưa ra một tuyên bố gồm 4 đoạn văn nhấn mạnh rằng: "Đây là lúc để mọi người bày tỏ sự tiếc thương, thay vì tranh luận về chính sách công. Chúng tôi sẽ tham gia cuộc thảo luận này vào một thời điểm thích hợp."
[Mỹ: Cuộc tranh luận kiểm soát súng sẽ diễn ra nhưng không phải lúc này]
NRA cũng im lặng suốt một tuần sau vụ xả súng ở trường tiểu học Sandy Hook năm 2012 khiến 20 em nhỏ và 6 người lớn thiệt mạng. Sau đó, giám đốc điều hành Wayne LaPierre đã mở một cuộc họp báo mà đến bây giờ nhiều người có thể xem là bản mẫu cho phản ứng của NRA với vụ xả súng ở Las Vegas.
Đầu tiên, như dư âm của phản ứng trong vụ ở trường Công nghệ Virginia, ông LaPierre đã biến sự im lặng kéo dài của NRA thành một sự chỉ trích nhắm tới nhiều người, trong đó có cả cựu tổng thống Barack Obama, người đã đáp lại cái chết của 20 trẻ em bằng lời kêu gọi kiểm soát súng đạn. "Bất chấp việc một số người tìm cách lợi dụng bi kịch này để làm lợi về mặt chính trị, chúng tôi vẫn giữ im lặng một cách đầy tôn trọng," ông LaPierre nói.
Sau đó, ông LaPierre liệt kê ra những gì mà ông cho là nguyên nhân dẫn đến vụ xả súng ở Sandy Hook. Ông chỉ ra "những trò chơi điện tử bạo lực và độc ác," "những bộ phim chém giết đẫm máu," "hàng nghìn video ca nhạc mô tả việc giết người như một cách sống" - tất cả là một phần của một "sự thật dơ bẩn mà truyền thông [đại chúng] đang cố hết sức để che giấu."
Tuy nhiên, không có lời nào của ông đề cập đến khả năng dễ dàng tiếp cận với các loại vũ khí như khẩu súng trường bán tự động mà sát thủ Adam Lanza của vụ Sandy Hook sử dụng.
Thay vào đó, cách ngăn chặn các vụ xả súng, theo ông LaPierre, là phải cắt đặt bảo vệ có mang vũ khí ở mọi trường học - một "giải pháp" ông cũng ủng hộ sau vụ trường Công nghệ Virginia, bởi: "Điều duy nhất sẽ ngăn chặn một kẻ xấu có súng là một người tốt có súng."
"Với tất cả những khoản viện trợ nước ngoài, với tất cả tiền bạc trong ngân sách liên bang, chúng ta không thể chi trả nổi cho việc bổ nhiệm một sỹ quan cảnh sát ở từng trường học hay sao? Tôi kêu gọi Quốc hội hành động ngay lập tức," ông nói thêm.
Lời nhắc đến ngân sách viện trợ nước ngoài - mối băn khoăn của rất nhiều người phản đối "điều chỉnh chính trị" - có thể không phải là vô cớ.
Sau vụ thảm sát hồi tháng 6/2016 tại hộp đêm đồng giới Pulse ở Orlando, NRA đã đổ lỗi cho "sự điều chỉnh chính trị của chính quyền Obama" vì vụ việc mà tại thời điểm đó là vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. "Đã đến lúc chúng ta thừa nhận rằng những kẻ Hồi giáo cực đoan là một tội ác căm ghét đang chờ được xảy ra," Chris Cox, giám đốc điều hành Viện Hành động Pháp luật của NRA cho hay. "Cách duy nhất để đánh bại chúng là hủy diệt chúng - thay vì hủy diệt quyền tự bảo vệ bản thân của những người Mỹ tuân thủ pháp luật."
Khi NRA đáp lại vụ xả súng ở Las Vegas, xét theo những gì đã diễn ra trước đây, nhiều khả năng là phép ẩn dụ này sẽ được hỗ trợ bởi những nguồn tiền lớn. Sau vụ Sandy Hook, NRA đã thành công trong việc thu hút những khoản tiền kỷ lục để vận động hành lang. Tổ chức có 4,3 triệu thành viên này đã kêu gọi được 2,7 triệu USD cho ủy ban hoạt động chính trị của mình trong tháng Một và tháng 2/2013 - tăng 350% so với cùng kỳ sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Năm 2015, ông Barack Obama đã thừa nhận với kênh BBC rằng những nỗ lực của ông nhằm đưa ra "các điều luật về an toàn súng đạn thường tình" là "lĩnh vực mà tôi cảm thấy nản lòng và lúng túng nhất."
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 sau vụ xả súng ở hộp đêm Pulse, NRA đã phá kỷ lục chi tiêu cho chiến dịch với ít nhất 36 triệu USD được sử dụng. Điều này một phần giải thích vì sao ứng viên đắc cử Donald Trump nhận được khoản tài trợ vận động hành lang cho súng nhiều hơn bất kỳ ứng viên tổng thống nào khác.
NBC News cho biết, tới tháng 10/2016, NRA đã chi tổng cộng 21 triệu USD cho ông Trump: 9.6 triệu USD cho quảng cáo cũng như các tài liệu ủng hộ Trump khác, và 12 triệu USD để công kích bà Hillary Clinton.
Thứ Hai vừa rồi, NRA có thể không lên tiếng, nhưng Nhà Trắng thì không giữ im lặng. Khi được hỏi về những quan điểm kiểm soát súng của bà Clinton, người phát ngôn Sarah Huckerbee Sanders đã trả lời: "Rất dễ để bà Clinton chỉ trích, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần nhớ người duy nhất vấy máu trên tay là kẻ đã xả súng."
"Bây giờ không phải là lúc để điều tra bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào," bà Sanders nói.
Và hôm thứ Ba (3/10), ông Trump đã hứa sẽ đề cập đến các điều luật về súng đạn "trong thời gian tới," nhưng không nêu cụ thể cuộc thảo luận đó sẽ diễn ra vào lúc nào.
Với một số người, những ồn ào từ Nhà Trắng có thể rất giống đoạn điệp khúc trước đây của NRA : không lợi dụng bi kịch vì lợi ích chính trị và chờ để tham gia các cuộc thảo luận chính sách công khai vào một thời điểm thích hợp./.