Dư luận những ngày gần đây đặc biệt quan tâm tới việc hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) cạn nước, đe dọa đời sống sống của “cụ rùa Hoàn Kiếm” tại đây.
Ngày 7/4, ông Ngô Thanh Minh, Phó phòng quản lý nước và công trình (thuộc Công ty Thủy lợi sông Tích-đơn vị quản lý hồ Đồng Mô) cho phóng viên Vietnam+ hay, sẽ xả nước tưới lúa theo phương pháp tiết kiệm để bảo đảm môi trường sống của cụ rùa.
Dưới mực nước chết?
Như Vietnam+ đưa tin, rùa Hoàn Kiếm trên thế giới hiện được xác định chỉ còn 4 cá thể. Trong đó, có hai cá thể được nuôi nhốt ở Trung Quốc, một cá thể tại hồ Hoàn Kiếm và một tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội).
Câu chuyện lần tìm ra rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô là cả một hành trình gian khó. Năm 2001, các chuyên gia của chương trình Bảo tồn Rùa châu Á và Trung tâm cứu hộ bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm Cúc Phương đã tổ chức chuyến khảo sát tìm kiếm những cá thể rùa quý hiếm trong lưu vực Sông Hồng.
Tìm kiếm mãi, cuối năm 2006, họ nhận được thông tin ở hồ Đồng Mô, thi thoảng người dân bắt gặp rùa nổi trên mặt nước. Ngay lập tức, các chuyên gia đã “phục kích” tại đây và mãi tới tháng 6/2007, họ đã chụp được những bức ảnh đầu tiên về cá thể rùa này.
Cuối năm 2008, khi trận lụt lịch sử nhấn chìm nhiều nơi ở Hà Nội, đập tràn hồ Đồng Mô bị vỡ, “cụ rùa” đã vượt ra ngoài và bị người dân bắt. Rất may, cơ quan chức năng đã phát hiện kịp thời và giải thoát cho “cụ” trở về hồ trước nguy cơ bị đem ra “đấu giá,” xả thịt.
Trước nguy cơ quá đen tối của rùa Hoàn Kiếm, các chuyên gia của Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á còn có dự định, sẽ “xe tơ kết tóc” cho cụ rùa, nhằm bảo tồn giống nòi. Song, khi mà dự án này còn chưa thực hiện, thì một nguy cơ mới lại đe dọa: Hồ Đồng Mô cạn nước mà nhu cầu tưới tiêu, phục vụ nông nghiệp thì không thể dừng lại.
Chiều 7/4, trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Ngô Thanh Minh, Phó phòng quản lý nước và công trình (thuộc Công ty Thủy lợi sông Tích-đơn vị quản lý hồ Đồng Mô) cho hay, hiện cao trình của hồ Đồng Mô là 13,51m. Trong khi đó, mực nước chết của hồ này là 13m.
Ông Minh tiên đoán, từ nay đến mùa mưa, rất có thể nước trong hồ Đồng Mô có thể sẽ xuống dưới mực nước chết bởi công ty phải xả thêm hai đợt nước nữa để phục vụ nông nghiệp.
Sẽ xả nước tiết kiệm
Lo lắng cho tương lai của cụ rùa, ông Đoàn Văn Tiến, một người dân ở khu vực Đồng Mô đã viết thư gửi nhiều nơi, với mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc, giữ nước hồ Đồng Mô để cứu rùa Hoàn Kiếm.
Vẫn biết hồ Đồng Mô có chức năng chính là cung ứng nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của khoảng gần 7.000 ha lúa nước, song ông Tiến đề nghị, không nên tháo nước hết, để rùa lâm vào cảnh nguy nan. Các cấp ngành cần tính toán, lựa chọn phương án hợp lý để tránh ảnh hưởng đến cụ rùa.
Trước lo lắng của người dân, ông Hoàng Văn Hà, cán bộ của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á cho rằng, hiện rùa Hoàn Kiếm ở Đồng Mô chưa gặp phải nguy hiểm vì nước cạn.
“Hồ Đồng Mô có nhiều chỗ trũng, nước sâu nên cụ rùa vẫn có thể ‘tá túc’ ở những chỗ ấy để tránh nạn trong một thời gian nhất định. Ở hồ Hoàn Kiếm, có lúc mực nước chỉ còn khoảng 1m, nhưng rùa vẫn sống được” ông Hà nói.
Ông Hà cũng cho rằng về lâu dài, cần có biện pháp để hài hòa giữa việc tháo nước cứu lúa, bảo đảm môi trường sống cho cụ rùa quý hiếm. Nếu cực chẳng đã phải di chuyển rùa đi nơi khác, theo ông, phải có nghiên cứu khoa học cụ thể về môi trường sống tại điểm đến để cụ rùa thích nghi và tồn tại.
Về vấn đề này, ông Minh cho biết, năm 2007, mức nước của hồ Đồng Mô đã từng xuống thấp tới 12,13m (dưới mực nước chết, không mở được cống). Tuy nhiên, đơn vị vẫn phải tạo nguồn nước tưới cho bà con sản xuất nông nghiệp.
Năm nay, trước thời điểm mùa mưa sắp tới, Công ty thủy lợi sông Tích vẫn còn hai đợt xả nước nữa. Vì vậy công ty sẽ áp dụng phương pháp xả nước tiết kiệm để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới cụ rùa./.
Ngày 7/4, ông Ngô Thanh Minh, Phó phòng quản lý nước và công trình (thuộc Công ty Thủy lợi sông Tích-đơn vị quản lý hồ Đồng Mô) cho phóng viên Vietnam+ hay, sẽ xả nước tưới lúa theo phương pháp tiết kiệm để bảo đảm môi trường sống của cụ rùa.
Dưới mực nước chết?
Như Vietnam+ đưa tin, rùa Hoàn Kiếm trên thế giới hiện được xác định chỉ còn 4 cá thể. Trong đó, có hai cá thể được nuôi nhốt ở Trung Quốc, một cá thể tại hồ Hoàn Kiếm và một tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội).
Câu chuyện lần tìm ra rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô là cả một hành trình gian khó. Năm 2001, các chuyên gia của chương trình Bảo tồn Rùa châu Á và Trung tâm cứu hộ bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm Cúc Phương đã tổ chức chuyến khảo sát tìm kiếm những cá thể rùa quý hiếm trong lưu vực Sông Hồng.
Tìm kiếm mãi, cuối năm 2006, họ nhận được thông tin ở hồ Đồng Mô, thi thoảng người dân bắt gặp rùa nổi trên mặt nước. Ngay lập tức, các chuyên gia đã “phục kích” tại đây và mãi tới tháng 6/2007, họ đã chụp được những bức ảnh đầu tiên về cá thể rùa này.
Cuối năm 2008, khi trận lụt lịch sử nhấn chìm nhiều nơi ở Hà Nội, đập tràn hồ Đồng Mô bị vỡ, “cụ rùa” đã vượt ra ngoài và bị người dân bắt. Rất may, cơ quan chức năng đã phát hiện kịp thời và giải thoát cho “cụ” trở về hồ trước nguy cơ bị đem ra “đấu giá,” xả thịt.
Trước nguy cơ quá đen tối của rùa Hoàn Kiếm, các chuyên gia của Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á còn có dự định, sẽ “xe tơ kết tóc” cho cụ rùa, nhằm bảo tồn giống nòi. Song, khi mà dự án này còn chưa thực hiện, thì một nguy cơ mới lại đe dọa: Hồ Đồng Mô cạn nước mà nhu cầu tưới tiêu, phục vụ nông nghiệp thì không thể dừng lại.
Chiều 7/4, trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Ngô Thanh Minh, Phó phòng quản lý nước và công trình (thuộc Công ty Thủy lợi sông Tích-đơn vị quản lý hồ Đồng Mô) cho hay, hiện cao trình của hồ Đồng Mô là 13,51m. Trong khi đó, mực nước chết của hồ này là 13m.
Ông Minh tiên đoán, từ nay đến mùa mưa, rất có thể nước trong hồ Đồng Mô có thể sẽ xuống dưới mực nước chết bởi công ty phải xả thêm hai đợt nước nữa để phục vụ nông nghiệp.
Sẽ xả nước tiết kiệm
Lo lắng cho tương lai của cụ rùa, ông Đoàn Văn Tiến, một người dân ở khu vực Đồng Mô đã viết thư gửi nhiều nơi, với mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc, giữ nước hồ Đồng Mô để cứu rùa Hoàn Kiếm.
Vẫn biết hồ Đồng Mô có chức năng chính là cung ứng nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của khoảng gần 7.000 ha lúa nước, song ông Tiến đề nghị, không nên tháo nước hết, để rùa lâm vào cảnh nguy nan. Các cấp ngành cần tính toán, lựa chọn phương án hợp lý để tránh ảnh hưởng đến cụ rùa.
Trước lo lắng của người dân, ông Hoàng Văn Hà, cán bộ của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á cho rằng, hiện rùa Hoàn Kiếm ở Đồng Mô chưa gặp phải nguy hiểm vì nước cạn.
“Hồ Đồng Mô có nhiều chỗ trũng, nước sâu nên cụ rùa vẫn có thể ‘tá túc’ ở những chỗ ấy để tránh nạn trong một thời gian nhất định. Ở hồ Hoàn Kiếm, có lúc mực nước chỉ còn khoảng 1m, nhưng rùa vẫn sống được” ông Hà nói.
Ông Hà cũng cho rằng về lâu dài, cần có biện pháp để hài hòa giữa việc tháo nước cứu lúa, bảo đảm môi trường sống cho cụ rùa quý hiếm. Nếu cực chẳng đã phải di chuyển rùa đi nơi khác, theo ông, phải có nghiên cứu khoa học cụ thể về môi trường sống tại điểm đến để cụ rùa thích nghi và tồn tại.
Về vấn đề này, ông Minh cho biết, năm 2007, mức nước của hồ Đồng Mô đã từng xuống thấp tới 12,13m (dưới mực nước chết, không mở được cống). Tuy nhiên, đơn vị vẫn phải tạo nguồn nước tưới cho bà con sản xuất nông nghiệp.
Năm nay, trước thời điểm mùa mưa sắp tới, Công ty thủy lợi sông Tích vẫn còn hai đợt xả nước nữa. Vì vậy công ty sẽ áp dụng phương pháp xả nước tiết kiệm để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới cụ rùa./.
Trung Hiền (Vietnam+)