Xã hội hóa giáo dục và lạm thu: Ranh giới mong manh

"Giữa xã hội hóa và lạm thu là ranh giới mong manh khó phân biệt, ta cần đưa ra tiêu chí. Xã hội hóa cần đảm bảo ba yêu cầu: đúng quy định, công khai, minh bạch," ông Hoàng Văn Cường nói.
Xã hội hóa giáo dục và lạm thu: Ranh giới mong manh ảnh 1Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Gần đây, dư luận xôn xao với tình trạng lạm thu xảy ra ở một số trường trên địa bàn các tỉnh Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội. Câu chuyện lạm thu luôn nóng trên các diễn đàn mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng mỗi dịp đầu năm học mới, gây bức xúc trong dư luận xã hội khi một số nơi.

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

20% ngân sách chưa đáp ứng đủ nhu cầu

- Thưa ông, ông có suy nghĩ gì về vấn đề lạm thu này khi liên tục tái diễn qua các năm và theo ông, cần xử lý như thế nào để hạn chế tình trạng này?

Ông Hoàng Văn Cường: Tôi làm trong ngành giáo dục và tôi tin tất cả những người làm trong lĩnh vực giáo dục không ai muốn phải trực tiếp đi thu tiền, huy động đóng góp tiền của cha mẹ học sinh. Họ chỉ mong toàn tâm toàn ý lo chuyên môn chứ không phải lo về vật chất.

Tuy nhiên do đầu tư ngân sách hạn hẹp nên chúng ta có chủ trương xã hội hóa trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư.

Nhưng ranh giới xã hội hóa cho đầu tư và lạm thu rất mỏng manh nên nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị lạm dụng hoặc làm một việc xã hội hóa nhưng lại thành lạm thu khiến xã hội lên án.

Việc thu sai ở đây có thể xảy ra ba trường hợp.

Một là đúng nghĩa lạm thu, tức là thu những khoản thu không được phép thu, không có trong quy định dù có thể mục đích là tốt. Ví dụ khi một lớp học không có điều hòa, nhà trường đứng ra cùng phụ huynh phân bổ cho mỗi học sinh phải đóng một khoản tiền nhất định để lắp điều hòa, thì đó là thu sai. Nếu thu sai như thế, xử lý hành chính, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm hành chính với vi phạm quy định của ngành, đồng thời phải trả lại tiền cho phụ huynh học sinh.

Hai là thu có thể đúng theo quy định nhưng việc sử dụng đồng tiền thu ấy là không đúng theo quy định về mặt công khai minh bạch thì đó là sai phạm về mặt tài chính, phải xử lý về mặt tài chính.

Trường hợp thứ ba, trầm trọng hơn, là dùng tiền đó vào mục đích tư lợi cá nhân thì phải xử lý nặng hơn.

- Theo ông, nếu chỉ dựa vào đúng một khoản thu là học phí thì các trường có đảm bảo được chất lượng đào tạo?

Ông Hoàng Văn Cường: Chính phủ đã rất nỗ lực khi quy định cứng chi 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục.

Tuy nhiên quy mô ngân sách thấp còn quy mô chi cho giáo dục rất cao, số lượng học sinh và giáo viên rất đông, chi đó chủ yếu chi cho tiền lương và các công việc thường xuyên cho hoạt động giáo dục. Phần chi đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện dạy học rất ít.

Khi phương tiện không đủ dẫn đến điều kiện học không đảm bảo để nâng chất lượng giáo dục. Đó chính là điều khó khăn kìm hãm chất lượng, buộc trong ngành giáo dục, nhà trường, phụ huynh mong muốn huy động được thêm đóng góp của xã hội để cải thiện điều kiện giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Rõ ràng với nguồn ngân sách nhà nước hạn chế và nhu cầu cao của người dân như hiện nay cùng với những đòi hỏi của cuộc cách mạng 4.0 thì đầu tư cho giáo dục cần nhiều hơn thế.

Con em chúng ta cần học ở những phòng học có chất lượng tốt, khang trang, có điều hòa, máy chiếu, đài catxet để học ngoại ngữ, phải có phòng thí nghiệm, thư viện với đầu sách phong phú. Bếp ăn bán trú cũng phải hiện đại, khoa học, đảm bảo vệ sinh và chất lượng thực phẩm.

[Ngành giáo dục căng sức chống lạm thu đầu năm học mới ]

Những yêu cầu này, ngân sách nhà nước không thể đáp ứng được hết.

Nguồn lực trong dân là có thật, và người dân sẵn sàng đầu tư cho giáo dục. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ chính sách quản lý nhà nước sẽ cân đối, điều hòa như thế nào để những đóng góp, tài trợ này thực sự xuất phát từ sự tự nguyện của những người có điều kiện, từ mục đích tốt đẹp là vì giáo dục, và khoản đầu tư này được chi cho hoạt động giáo dục một cách công khai minh bạch, hiệu quả.

Do đó, khi người học có khả năng và có nhu cầu, việc thực hiện xã hội hóa để nâng cao chất lượng là điều tất yếu, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người học. Người dân có điều kiện muốn tự nguyện đóng góp cho nhà trường cũng là việc đáng khuyến khích.

Xã hội hóa giáo dục và lạm thu: Ranh giới mong manh ảnh 2Việc lạm thu luôn được núp bóng dưới hình thức tự nguyện gây bức xúc trong dư luận. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ranh giới mong manh

- Nhưng làm sao để phân biệt được khái niệm xã hội hóa giáo dục và cậu chuyện tận thu, lạm thu đầu năm học, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Cường: Giữa xã hội hóa và lạm thu là ranh giới mong manh khó phân biệt, ta cần đưa ra tiêu chí. Xã hội hóa cần đảm bảo ba yêu cầu: đúng quy định, công khai, minh bạch. Nếu làm tốt ba điều này thì sẽ không còn câu chuyện lạm thu.

Để thực hiện tốt xã hội hóa mà không chuyển thành lạm thu, tôi cho rằng phải có quy định rõ ràng chặt chẽ về việc thu-chi về tài trợ trong các cơ sở giáo dục.

[Lạm thu đầu năm học: Học sinh lớp 1 phải đóng tiền triệu mua bàn ghế]

Tôi được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 16, quy định rõ nội dung của xã hội hóa là cái gì, khi xã hội hóa như thế nào, quy định rõ những gì không được lợi dụng xã hội hóa để ràng buộc dịch vụ… Theo tôi đánh giá đó là thông tư tốt sẽ đưa hoạt động tài trợ trong các cơ sở giáo dục vào khuôn khổ, nề nếp, qua đó góp phần hạn chế, ngăn chặn lạm thu.

Nhờ vậy, người đóng góp sẽ biết mình cần đóng góp thế nào cho đúng quy định, người thu nhận cũng phải tiếp nhận đúng cách.

Việc đưa ra các quy định chặt chẽ như vậy sẽ dễ dàng quy trách nhiệm nếu phát hiện có sai phạm.

Tuy nhiên, chúng ta phải tuyên truyền để nhà quản lý giáo dục, nhà trường phải nhận thức rõ muốn xã hội hóa chúng ta phải làm gì, làm như nào và khi nào được xã hội hóa. Chúng ta cũng cần thông tin tuyên truyền cho hội cha mẹ học sinh hiểu rất rõ về nội dung xã hội hóa và vai trò tham gia, giám sát trong công việc xã hội hóa đó để nâng cao nhận thức của xã hội, huy động được đóng góp xã hội cho phát triển giáo dục nhưng không xảy ra tình trạng lạm thu.

- Xin cảm ơn ông!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục