WWF: ASEAN đối mặt với nguy cơ mất đa dạng sinh học

Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới vừa cảnh báo ASEAN đang phải đối mặt với một mối đe dọa phi truyền thống là mất đa dạng sinh học.
Một đàn voi Sumatra trong khu rừng tại khu vực Đông Aceh ở tỉnh Aceh, Indonesia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF) vừa cảnh báo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang phải đối mặt với một mối đe dọa phi truyền thống liên quan đến an ninh khu vực là "mất đa dạng sinh học."

WWF cho rằng sự tương tác giữa tất cả các loài động thực vật trong môi trường nhất định, cộng đồng của các sinh vật sống trong thiên nhiên và các gia đình, cộng đồng, quốc gia cũng như các thế hệ tương lai đều phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này. Đa dạng sinh học mất đi cũng có nghĩa là an ninh lương thực bị đe dọa và con người sẽ phải đối mặt với hạn hán, nạn đói, thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh về nguồn nước giữa các vùng lãnh thổ.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), ASEAN là khu vực có sự đa dạng sinh học rất phong phú. Mặc dù chỉ chiếm 3% diện tích bề mặt Trái Đất, nhưng khu vực này là nơi trú ngụ của 18% các loài động thực vật trên thế giới.

IUCN cho rằng tuy ASEAN đã có Công ước về Đa dạng sinh học và thực hiện nhiều biện pháp trong khuôn khổ này như tuyên bố về các hệ sinh thái khác nhau hay tổ chức bảo vệ các khu bảo tồn ven biển, song điều này chưa đủ.

Đại sứ-Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Philippines tại ASEAN Elizabeth Buensuceso cho biết, từ giữa những năm 1990, nước này đã trao đổi với các quốc gia thành viên khác về việc cải thiện tình trạng thiếu hợp tác khu vực trong quản lý đa dạng sinh học.

Năm 1999, Philippines và Liên minh Châu Âu (EU) đã khởi động dự án xây dựng Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN với khoản đầu tư ban đầu 9,5 triệu euro (13 triệu USD). Trung tâm này đã được đưa vào hoạt động năm 2004.

Ngay sau đó (tháng 9/2005), các nhà lãnh đạo ASEAN đã quyết định thành lập Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) trên cơ sở nền tảng đã có ở Philippines với nguồn quỹ đóng góp tự nguyện.

Hiện Trung tâm này đã được thế giới biết đến với những nỗ lực bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học. Các đối tác đối thoại khác như EU cũng đã bày tỏ mong muốn hợp tác với ACB. Tuy nhiên, Indonesia và Campuchia vẫn chưa phê chuẩn thỏa thuận thành lập ACB.

Bộ trưởng Lâm nghiệp Indonesia Belinda Aruwarnati Margano cho biết, trong những năm gần đây, nhiều diện tích rừng của các nước trong khu vực đã bị mất đi một cách đáng lo ngại. Cụ thể như Indonesia mất tới 840.000 ha rừng (năm 2012), rừng Malaysia bị thu hẹp 353.000ha (2011); Campuchia bị mất khoảng 7% diện tích rừng trong vòng 12 năm (2001-2013); còn Philippines đang mất khoảng 50.000ha rừng mỗi năm.

IUCN cũng đã cảnh báo về tình trạng mất đa dạng sinh học ở Đông Nam Á bởi hiện nay đây là khu vực có tỷ lệ mất rừng ngập mặn cao nhất thế giới (26%) trong 25 năm trở lại đây, đồng thời cũng dẫn đầu về tỷ lệ tổn thất các rạn san hô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục