Ngày 26/2, Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 13 của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (MC13) đã khai mạc tại Abu Dhabi, Thủ đô của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Hội nghị cấp Bộ trưởng WTO lần thứ 13 sẽ kéo dài đến ngày 29/2 với nội dung chủ yếu tập trung vào giải quyết một số vấn đề chính: Trợ cấp khuyến khích đánh bắt thủy hải sản quá mức; cải cách để thị trường nông nghiệp công bằng và thân thiện hơn với môi trường; nỗ lực nhằm khôi phục hệ thống giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia...
Đoàn công tác của Việt Nam tham dự MC13 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn sẽ có các cuộc gặp gỡ, họp song phương với các đối tác như: Cộng hòa Séc, Kazakhstan; Costa Rica; Israel; với Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA)... nhằm củng cố, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương.
Việt Nam tham dự vòng đàm phán về trợ cấp thủy sản của WTO
Cũng tại phiên khai mạc sáng nay, văn kiện Hiệp định tạo thuận lợi đầu tư cho phát triển (IFD) đã được công bố trên trang web của WTO vài giờ trước khi hội nghị MC13 khai mạc. Hơn 120 thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đạt thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào các nước đang phát triển bằng cách cải thiện tính minh bạch và xóa bỏ các rào cản quan liêu.
Hiệp định Tạo thuận lợi đầu tư cho phát triển (IFD), được 75% thành viên WTO ký kết trước thềm Hội nghị. Các bên ký kết IFD mong muốn các Bộ trưởng tham dự hội nghị ở Abu Dhabi đưa hiệp định này vào hệ thống các thỏa thuận chính thức của WTO.
Điều này đòi hỏi thỏa thuận phải được toàn bộ thành viên đồng thuận. Thỏa thuận này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là đến các nước đang phát triển và kém phát triển nhất nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Bà Ngozi Okonjo-Iweala đánh giá đây là "thỏa thuận tiên phong, hứa hẹn giúp các bên ký kết có thể thu hút được FDI để thúc đẩy tăng trưởng."
Trong Phiên khai mạc, các đại biểu đã chứng kiến lễ gia nhập WTO của Comoros và Đông Timor đồng thời chứng kiến lễ trao văn kiện phê chuẩn Hiệp định Trợ cấp Thủy sản.
Ngay sau Phiên khai mạc MC13, Trưởng Đoàn Việt Nam cùng các đại biểu bước vào Phiên Thảo luận cấp Bộ trưởng về Thương mại và Phát triển bền vững. Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có cuộc họp song phương với Bulgaria.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh đến vấn đề hiệp định trợ cấp thủy sản, coi đây là một điểm nhấn quan trọng làm nổi bật vai trò của WTO trong giai đoạn hiện nay. Bà kỳ vọng hiệp định này sẽ sớm có hiệu lực trên toàn cầu ngay trong năm nay.
Được biết, dự thảo quy định mới nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về thủy sản đã mở rộng số các thành viên phải tuân thủ. Dự thảo văn bản trợ cấp nghề cá mới do các nhà đám phán đưa ra sẽ mở rộng số lượng thành viên của WTO phải tuân theo các quy định chặt chẽ hơn, bao gồm tất cả các nước phát triển và đang phát triển không được hưởng đối xử đặc biệt và khác biệt.
Đại sứ lceland Einar Qunnarsson, người chủ trì các cuộc đàm phán nghề cá, cho biết văn bản được chuyển tới các bộ trưởng sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán tại Hội nghị cấp bộ trưởng của WTO lần thứ 13.
Sự khác biệt chính giữa dự thảo mới nhất và dự thảo ban hành tháng 12 năm ngoái là cách sắp xếp các thành viên WTO vào một trong hai cấp độ. Các thành viên ở cấp cao sẽ phải tuân theo các quy định chặt chẽ hơn so với các thành viên cấp thấp hơn. Tuy nhiên, ngay cả các thành viên cấp cao hơn cũng sẽ không phải tuân theo lệnh cấm hoàn toàn đối với một số loại trợ cấp nhất định. Các thành viên cấp cao hơn sẽ phải gửi thông báo về khoản trợ cấp được đề cập không quá 6 tháng sau khi chương trình trợ cấp mới có hiệu lực và về sau là trong các thông báo thường xuyên của thành viên.
Các thành viên cấp thấp hơn có thể cung cấp các khoản trợ cấp được cho là góp phần gây ra tình trạng đánh bắt quá mức và dư thừa năng lực nếu chứng minh được rằng các biện pháp này được thực hiện để duy trì nguồn lợi hoặc các nguồn lợi thủy sản liên quan ở mức bền vững về mặt sinh học. Các nước kém phát triển nhất không bị xếp vào cả hai cấp độ./.
Ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Sau 17 năm gia nhập WTO, quy mô thương mại của Việt Nam đã có bước tiến dài, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 730 tỷ USD vào cuối năm 2022. Năm 2023, trước tác động của suy giảm kinh tế và thương mại toàn cầu, xuất nhập khẩu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng song vẫn cán đích trên 680 tỷ USD, là một điểm sáng của tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Việt Nam được đánh giá là một trong 30 nước gia nhập WTO thành công. Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ từ một nước nhập siêu, nhưng xuất siêu 8 năm liên tiếp, với mức thặng dư đạt 26 tỷ USD cuối năm 2023.