Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 20/2 đã khởi động giai đoạn hai tiến trình đàm phán về trợ cấp nghề cá, sau nhiều tháng đình trệ.
Giai đoạn hai này là bước tiếp theo sau thỏa thuận lịch sử về trợ cấp đánh bắt cá, đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 diễn ra tháng 6/2022.
Việc Đại sứ Colombia - ông Santiago Wills, rời khỏi ghế chủ trì đàm phán sau đó 3 tháng đã khiến tiến trình này đình trệ khi bước vào thời điểm quan trọng.
Hiện Đại sứ Iceland Einar Gunnarsson đã được chọn để thay thế ông Wills đảm nhiệm vai trò này.
Theo thỏa thuận lịch sử nói trên, 164 thành viên WTO cam kết tiếp tục thảo luận các vấn đề tồn đọng nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13, dự kiến diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào tháng 2/2024.
Trong cuộc họp toàn thể đầu tiên ngày 20/2, ông Gunnarsson đã thông báo cho các thành viên về những cuộc thảo luận mà ông chủ trì từ ngày 8-15/2 vừa qua, với sự tham gia của khoảng 30 phái đoàn.
[Nga và Na Uy thống nhất hạn ngạch đánh bắt cá năm 2023]
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, ông Gunnarsson bày tỏ lạc quan trong vòng 1 năm, trước khi Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 diễn ra, các nước thành viên có thể đưa ra những khuyến nghị về các điều khoản bổ sung nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện về trợ cấp nghề cá.
Ngoài các cuộc họp thông thường, ông Gunnarsson cũng thông báo việc tổ chức 4 cuộc thảo luận chuyên sâu, từ nay cho đến tháng Bảy tới, trong đó cuộc thảo luận đầu tiên sẽ được tiến hành vào trung tuần tháng Ba.
Theo ông Gunnarsson, các nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các quy tắc về trợ cấp nhằm tránh tình trạng dư thừa và đánh bắt quá mức, trong đó bao gồm cả sự linh hoạt đối với các nước đang phát triển và các nước nghèo hơn.
Sau hơn 20 năm đàm phán, WTO đã nhất trí gói thỏa thuận thương mại lịch sử về vấn đề trợ cấp cho nghề đánh bắt cá.
Thỏa thuận cấm các khoản trợ cấp góp phần đánh bắt cá bất hợp pháp hoặc đánh bắt quá mức, đe dọa tính bền vững của nguồn cá trên hành tinh, đồng thời nhất trí các quy chế miễn trừ đặc biệt đối với các nước đang phát triển.
Để thỏa thuận này có hiệu lực, cần có sự phê chuẩn của 2/3 số thành viên của WTO. Cho đến nay, mới chỉ có Singapore và Thụy Sĩ thực hiện điều này./.