Các quy định về thương mại nông nghiệp vốn trở nên lạc hậu trong hơn 2 thập kỷ qua, cần phải được cải cách trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dân số tăng nhanh làm gia tăng mối lo ngại về an ninh lương thực trong khi xuất hiện các cơ hội mới như số hóa ngành lương thực và nông nghiệp.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 25/10 đưa ra tuyên bố trên sau cuộc họp tại Geneva (Thụy Sĩ) do Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala triệu tập ngày 24/10 nhằm tìm ra giải pháp cho tình trạng bế tắc này.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Okonjo-Iweala nêu rõ: "Các thị trường lương thực và nông nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kém hiệu quả. Điều ngày càng rõ ràng là các quy định của WTO không theo kịp những thách thức mà chúng ta đương đầu hay các diễn biến trên thị trường toàn cầu."
Do vậy, bà Okonjo-Iweala cho rằng các nước thành viên WTO sẽ phải cập nhật các quy định của tổ chức này nhằm ứng phó hiệu quả với những vấn đề nảy sinh trên thị trường toàn cầu, đồng thời đảm bảo các nguyên tắc của WTO có thể giúp các nước giải quyết được những thách thức hiện nay và mai sau.
[Ưu tiên sắp tới của WTO sẽ là vấn đề an ninh lương thực]
Theo Tổng giám đốc WTO, tình trạng bóp méo thương mại và mức độ bảo hộ cao là những vấn đề nghiêm trọng trong khi đầu tư không liên tục vào nghiên cứu và cơ sở hạ tầng đã khiến năng suất nông nghiệp thấp và đình trệ ở nhiều khu vực.
Trong khi đó, tổng trợ cấp cho ngành nông nghiệp đã lên tới 817 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2019-2021. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực cũng làm trầm trọng thêm tác động của việc tăng giá đối với người tiêu dùng có thu nhập ít ỏi ở những nước nhập khẩu lương thực.
Theo tuyên bố của WTO, hệ thống lương thực đang chịu sức ép gia tăng do mất an ninh nước, biến đổi khí hậu, nạn hạn hán và suy thoái môi trường, cuộc xung đột ở Ukraine và tác động kéo dài của đại dịch COVID-19.
Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO gần đây nhất diễn ra vào tháng 6 vừa qua đã thông qua một gói thỏa thuận mang ý nghĩa lịch sử, được kỳ vọng sẽ đem lại bước tiến mới cho kinh tế thế giới.
“Gói thỏa thuận Geneva” bao trùm nhiều vấn đề quan trọng, từ trợ cấp thủy sản, ứng phó đại dịch COVID-19, an ninh lương thực, thương mại điện tử cho đến việc cải cách hoạt động của WTO.
Theo kế hoạch Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 13 của WTO sẽ diễn ra trước cuối năm 2023./.