Ngày 20/1, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã gia hạn chót để Mỹ điều chỉnh các biện pháp chống bán phá giá áp đặt với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc theo phán quyết của WTO đưa ra hồi năm ngoái.
Tháng 5 vừa qua, Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đã ra phán quyết cho rằng một số biện pháp chống bán phá giá mà giới chức Mỹ áp đặt với các sản phẩm của Trung Quốc không phù hợp với các quy định thương mại quốc tế.
Vì vậy, Mỹ cần điều chỉnh những sai phạm này trong vòng 15 tháng kể từ sau phán quyết của WTO tức là tới ngày 22/8.
Theo luật thương mại quốc tế, các quốc gia có quyền áp thuế chống bán phá giá nhưng phải tuân thủ những điều kiện đi kèm khá nghiêm ngặt.
Do đó, mâu thuẫn xung quanh việc áp loại thuế này thường xuyên xảy ra và đều được đưa lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO.
Với phương pháp chống bán phá giá của mình, Mỹ cũng là quốc gia thường thua trong các vụ tranh chấp kiểu này.
[Ngành thép Việt Nam kiến nghị khởi kiện Hoa Kỳ ra WTO]
Vụ việc lần này đã được Trung Quốc đưa ra WTO từ tháng 12/2013 vì bất đồng với Mỹ về cách thức đánh giá biên độ phá giá.
Cụ thể, Trung Quốc cáo buộc Mỹ vi phạm các quy định của WTO khi sử dụng phương pháp Zeroing (mọi biên độ phá giá có giá trị nhỏ hơn 0 đều được quy về 0) để tính biên độ phá giá trung bình của các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường nhờ đó có kết quả cao hơn và có thể áp thuế chống phá giá cao hơn thực tế.
Đây là phương pháp chủ yếu mà các quốc gia phát triển thường hay áp dụng để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa trước làn sóng sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển.
Hồi tháng 10/2016, phần lớn các các chuyên gia WTO đã đưa ra kết luận ủng hộ lập luận của Trung Quốc.
Tới tháng 6/2017, Mỹ đã tuyên bố sẽ thực hiện các điều chỉnh theo khuyến cáo của WTO trong một khoảng thời gian "thích hợp" mà không nêu rõ thời điểm cụ thể. Vì vậy, Trung Quốc đã yêu cầu WTO chỉ định một thời hạn cụ thể ./.