​WSJ: ByteDance đang đàm phán để tránh phải nhượng lại TikTok

Các cuộc đàm phán giữa quan chức ByteDance và Mỹ đang ở giai đoạn nước rút khi đã cận kề thời hạn chót 15/9 mà chính quyền Tổng thống Trump đưa ra nhằm buộc TikTok ngừng hoạt động ở Mỹ.
(Nguồn: Forbes)

Ngày 9/9, tờ Wall Street Journal đưa tin Công ty Internet của Trung Quốc ByteDance đang đàm phán với giới chức Mỹ về cách thức giải quyết nhằm tránh phải bán lại các hoạt động của TikTok tại Mỹ.

Theo Wall Street Journal, các cuộc đàm phán giữa giới chức ByteDance và Mỹ đã diễn ra trong thời gian qua và hiện ở giai đoạn nước rút khi đã cận kề thời hạn chót 15/9 mà chính quyền Tổng thống Trump đưa ra nhằm buộc TikTok ngừng hoạt động tại Mỹ.

Báo trên cho biết có ít nhất một trong những nhà đầu tư lớn của TikTok tham gia nhóm làm việc với quan chức Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), thảo luận về vấn đề bảo mật dữ liệu.

Thời gian gần đây, TikTok đã lọt vào "tầm ngắm" của nghị sỹ Mỹ với lý do quan ngại về an ninh quốc gia.

Ngày 6/8 vừa qua, Tổng thống Trump đã ra lệnh cấm các cá nhân, công ty Mỹ giao dịch với hai công ty của Trung Quốc gồm ByteDance, chủ sở hữu TikTok, và Công ty Tencent, chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat. Các sắc lệnh sẽ có hiệu lực trong 45 ngày.

[Tương lai nào cho TikTok sau khi cập bến xứ người?]

Theo giới chức Washington, ứng dụng TikTok có thể được sử dụng trong các chiến dịch đưa thông tin sai lệch vì mục đích chính trị và Mỹ "phải có những hành động quyết liệt với các chủ sở hữu của ứng dụng này để bảo vệ an ninh quốc gia."

Ngày 15/8, Tổng thống Trump cũng đã yêu cầu trong vòng 90 ngày, ByteDance phải chuyển nhượng các hoạt động của TikTok tại Mỹ.

Walmart cùng với Microsoft đang đàm phán mua lại TikTok, trong khi Oracle cũng được cho là có quan tâm tới thương vụ tiềm năng này.

Đáp lại các động thái trên, cuối tháng 8, TikTok đã đệ đơn kiện chính quyền của Tổng thống Trump liên quan đến sắc lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với công ty chủ quản ByteDance.

Ứng dụng chia sẻ video này cáo buộc giới chức Mỹ tước đoạt quyền của công ty mà không có bất cứ bằng chứng nào, đồng thời khiếu nại về sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Trump nhằm hạn chế công ty này là sự lạm dụng Đạo luật Về quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế.

TikTok cho rằng Mỹ đã bỏ qua những nỗ lực  của công ty để giải quyết những vấn đề mà Washington lo ngại. Trong đơn kiện của TikTok có nêu đích danh Tổng thống Trump, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Bộ Thương mại Mỹ.

Hiện TikTok đang hoạt động ở khoảng 150 quốc gia. Ứng dụng này đặc biệt phổ biến với người dùng smartphone trẻ tuổi. Nền tảng này cho phép người dùng tạo các video ngắn từ 15 giây đến 1 phút.

Kể từ khi ra mắt năm 2016, ứng dụng đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần, trở thành nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục