Người mù đến sân "xem" World Cup 2014

World Cup 2014: Người mù cũng có thể đến sân "xem" bóng đá

Tại World Cup 2014, những người khiếm thị hoặc thậm chí bị mù hoàn toàn vẫn có thể tới sân vận động để cảm nhận trực tiếp sức nóng từ khán đài.
World Cup 2014: Người mù cũng có thể đến sân "xem" bóng đá ảnh 1Những người mù hoặc bị khiếm thị vẫn có thể đến sân xem các trận đấu tại World Cup 2014. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nghe có vẻ lạ lùng - nhưng đúng là như vậy! Tại World Cup 2014, những người khiếm thị hoặc thậm chí bị mù hoàn toàn vẫn có thể tới sân vận động để cảm nhận trực tiếp sức nóng từ khán đài thay vì phải nghe tường thuật trận đấu qua sóng phát thanh.

Để phục vụ ngày hội thể thao hấp dẫn nhất hành tinh này, FIFA cung cấp dịch vụ tường thuật trận đấu cho người khiếm thị tại 4 sân vận động (trên tổng số 12 sân diễn ra các trận cầu) của Brazil - ở các thành phố Sau Paulo, Rio de Janeiro, Brasilia và Belo Horizonte.

Trước khi World Cup diễn ra, các tường thuật viên tình nguyện đã phải theo học nghiêm túc các khóa học tường thuật đặc biệt này. Các bài tường thuật sẽ do 16 tình nguyện viên đảm trách từ khu vực dành cho báo chí tại sân vận động. Mỗi trận đấu sẽ có hai người cùng tường thuật.

Tường thuật viên Andre, 26 tuổi, cho biết anh đã phải rèn luyện kỹ năng vẽ ra một bức tranh bằng giọng nói, làm sao để người nghe hiểu điều gì đang diễn ra, các cầu thủ đang ở đâu trên sân, trọng tài đang làm gì, sân vận động trông như thế nào khi có bàn thắng… Với sự trợ giúp của anh, khán giả Fabricio sẽ có thể quyết định trận cầu giữa đội Brazil và Chile trong vòng 1/8 World Cup 2014 vừa rồi có phải là một trận cầu "đẹp mắt" như mọi người nói hay không.

Fabricio là một chuyên gia kinh tế 29 tuổi, bị mù bẩm sinh. Anh rất yêu bóng đá và chưa bao giờ bỏ lỡ các buổi tường thuật trên đài phát thanh của bất cứ trận bóng nào có CLB Palmeiras anh yêu thích. Sắc mặt anh sáng bừng lên mỗi khi nói về lần duy nhất anh được tới sân vận động để cảm nhận không khí một trong các trận đấu của CLB Palmeiras.

"Tôi thích đến sân vận động, nhưng điều đó không hề dễ. Tôi thường nghe tường thuật các trận bóng trên đài, nhưng tôi phát điên lên khi bình luận viên chỉ gào lên từ "Vàoooooo" không dứt sau mỗi bàn thắng. Tôi bỏ lỡ rất nhiều thông tin thú vị khác", anh tâm sự.

Dự án tường thuật bóng đá cho cổ động viên khiếm thị đã được phóng viên thể thao người Australia Martin Zwischenberger ấp ủ từ 10 năm nay. Ông Zwischenberger cũng là người phụ trách đào tạo các tường thuật viên tình nguyện.

Theo ông Zwischenberger, ông đã nảy ra sáng kiến trên khi đến thăm một viện bảo tàng tại Vienna (Áo), nơi khách tham quan có cơ hội trải nghiệm triển lãm đúng như cách một người mù cảm nhận.

Các hướng dẫn viên - cũng là những người mù - đã dẫn du khách trong cả hành trình tham quan, mô tả mọi ngóc ngách của triển lãm. Zwischenberger đã rất hứng thú với trải nghiệm này và ông quyết định đưa một nhóm gồm 50 người mù đến "xem" một trận bóng đá mà ông chính là người tường thuật cho họ mọi diễn biến. Kinh nghiệm này đã thôi thúc ông thành lập một "ngôn ngữ mới" để tường thuật bóng đá dành riêng cho “những người không nhìn thấy được nhưng cảm nhận được.”

Với dự án của mình, ông đã tham gia Trung tâm Tiếp cận Bóng đá (CAF) ở châu Âu. CAF sau đó đã cử ông tới Brazil để triển khai các công tác phục vụ World Cup 2014. URECE - một hiệp hội người mù ở Brazil - đã giúp ông phát động cuộc tìm kiếm bình luận viên tình nguyện.

Ông Gabriel Mayr, điều phối viên dự án của URECE cho biết dự án trên nhằm đảm bảo rằng không ai bị gạt ra ngoài lề niềm đam mê bóng đá nổi tiếng thế giới của người Brazil . Ông nói: "Tại Brazil , bóng đá là một văn hóa, và do đó cần có giải pháp để người mù được sống trong nền văn hóa này."

Theo các số liệu chính thức, tại Brazil có khoảng 6,5 triệu người mù. Nhưng cũng như phần còn lại của đất nước đã 5 lần vô địch bóng đá thế giới này, họ cũng muốn có cơ hội trực tiếp thưởng thức không khí World Cup và tận hưởng cảm giác cuồng nhiệt tại sân vận động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục