World Cup 2014 đánh dấu sự lên ngôi của các tiền đạo hàng đầu thế giới như Lionel Messi, Neymar Junior hay Robin van Persie. Thế nhưng, người hùng thực thụ lại là những người bảo vệ khung thành.
Tim Howard, Guillermo Ochoa, Keylor Navas hay Julio Cesar đều đã chứng tỏ rằng khả năng "phá bàn thắng" của đối phương chính là điểm sáng nhất trong thành công của bất kỳ đội bóng nào.
Trận đấu cuối cùng của vòng 1/8 giữa Bỉ và Mỹ khiến người ta phải kinh ngạc về tài nghệ của “người nhện” Tim Howard bên phía đội bóng “Xứ cờ hoa”. Với 16 pha cứu thua, thủ thành 35 tuổi hiện đang đầu quân cho câu lạc bộ Everton (Anh) đã xác lập kỷ lục về số lần phá bóng kể từ World Cup 1966. Trong trận đấu đó, hàng hậu vệ của Mỹ dường như bất lực trước các pha tấn công như vũ bão của “Quỷ đỏ”, buộc Howard bị đặt vào "thế báo động" suốt 120 phút thi đấu. Cuối cùng trong những hiệp phụ, Mỹ vẫn phải chịu thủng lưới 2 lần trước khi gỡ lại một bàn danh dự.
Sau trận đấu, huấn luyện viên Juergen Klinsmann phải thốt lên rằng: “Cách Tim thi đấu tối nay quả là phi thường”. Trong khi đó, đối thủ của anh trong trận đấu, đội trưởng tuyển Bỉ Vincent Kompany, cũng đã đăng trên mạng xã hội Twitter ngay sau khi trận đấu kết thúc nội dung sau: “Chỉ hai từ thôi… TIM HOWARD” bên cạnh từ khóa #respect (khâm phục) để nói về người đã từ chối quá nhiều pha ghi bàn của đội nhà.
“Người gác đền” Guillermo Ochoa của Mexico cũng nhận được vô số lời khen ngợi tương tự vì những màn trình diễn xuất sắc ở vòng bảng, trong đó nổi bật nhất là các pha cứu nguy trong trận hòa 0-0 với Brazil. Ở trận này, Ochoa đã có một pha phá bóng chỉ bằng một tay từ cú đánh đầu dũng mãnh của Neymar, khiến anh được giới hâm mộ túc cầu so sánh với huyền thoại người Anh Gordon Banks - người đã liên tục từ chối những nỗ lực không mệt mỏi của Pele hồi năm 1970. Chính những pha bay lượn của cầu thủ tóc xù này đã đưa Mexico vào vòng 1/8 ngay trước mắt Croatia.
Không ít người ngạc nhiên khi biết rằng đến với Brazil lần này, Ochoa thậm chí còn đang thất nghiệp vì không được câu lạc bộ Ajaccio (Pháp) gia hạn hợp đồng. Tuy nhiên với màn thể hiện quá ấn tượng, anh được cho là đang thu hút sự chú ý của người khổng lồ Premier League Liverpool.
Thủ thành Keylor Navas của Costa Rica cũng là một ngôi sao tại giải. Anh đã vinh dự được trao danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu khi đội bóng Bắc Trung Mỹ đánh bại Hy Lạp để giành vé vào vòng tứ kết lần đầu tiên trong lịch sử. Sau khi đã làm nản lòng các chân sút Italy và Uruguay ở vòng bảng, Navas lại lập kỳ công khi từ chối quả luân lưu của Fanis Gekas bên phía Hy Lạp. Nhờ thành tích đó, anh đã được đặt biệt hiệu “Chú thỏ may mắn”, vốn là cách người ta gọi vui Luis Gabelo Conejo, chốt chặn số 1 của Costa Rica ở World Cup 1990.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến Julio Cesar, người anh hùng tưởng như đã hết thời của đội tuyển chủ nhà. Không còn được câu lạc bộ Queens Park Ranger (Anh) trọng dụng, Cesar buộc phải phiêu dạt sang Canada để chơi cho Toronto FC, nơi được cho là chỉ để các ngôi sao luống tuổi “dưỡng già."
Người hâm mộ thậm chí đã chỉ trích huấn luyện viên Scolari vì gọi một cầu thủ đã xuống phong độ như Cesar vào đội tuyển. Nhưng cựu thủ thành của câu lạc bộ Inter Milan (Italy) đã không phụ lòng Big Phil. Chính anh đã cản phá thành công hai quả penalty của Chile, giúp các Selecao tránh được một thất bại muối mặt trong cuộc chạm trán ở vòng 1/8.
Bản thân Cesar phải thừa nhận khi nhìn vào quá khứ: “Sau World Cup 2010 bị gọi là kẻ tội đồ, mọi chuyện rất tồi tệ với tôi”. Nhưng anh cho rằng chính sự ủng hộ của gia đình đã mang lại thành công cho mình ở giải lần này. “Điều đó giúp tôi có sức mạnh cần thiết để tiến lên phía trước”, Cesar nói trong nước mắt khi trả lời báo chí sau trận.