Ban Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới vừa phê duyệt khoản tín dụng 155 triệu USD để tăng cường năng lực nghiên cứu, giảng dạy của ba trường đại học tự chủ và cải thiện quản lý hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.
Sẽ có hơn 150.000 sinh viên và 3.900 cán bộ giảng dạy của Học viên Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được hưởng lợi từ những khoản đầu tư trên.
Ngoài ra, khoảng 600.000 sinh viên và 27.000 giảng viên từ các cơ sở giáo dục đại học khác cũng sẽ được tiếp cận nguồn tài nguyên học tập nghiên cứu phong phú, thông qua quyền truy cập vào thư viện điện tử dùng chung đặt tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Dự án sẽ hỗ trợ tài chính cho các cơ sở vật chất và thiết bị mới để giảng dạy và nghiên cứu, cũng như các hệ thống tăng cường quản lý giáo dục đại học. Các trường đại học khoa học và công nghệ cũng như các trường đại học có định hướng nghiên cứu đều được hưởng lợi ích từ dự án, qua đó các bài học thu được có thể áp dụng cho việc hoàn thiện các chính sách về tự chủ và đảm bảo chất lượng cho các trường đại học.
Dự án cũng sẽ hỗ trợ phân tích chính sách về tài chính bền vững và tự chủ đại học, phát triển một hệ thống quản lý thông tin giáo dục đại học và một hệ thống thư viện điện tử dùng chung.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, lợi ích của giáo dục đại học tại Việt Nam được thể hiện rõ qua các con số sinh viên nhập học tăng gấp 17 lần từ năm 1991. Tuy nhiên Việt Nam cần tăng năng suất lao động và chuyển dịch của người lao động tới các ngành nghề có năng suất cao hơn. Giải quyết những vấn đề này cần có kỹ năng và năng lực mới, cũng như tăng tiếp cận và chất lượng giáo dục đại học. Đây là những yếu tố chính mà dự án này hướng tới.
Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), quỹ của Ngân hàng Thế giới cho các nước thu nhập thấp, sẽ cung cấp 155 triệu USD cho dự án có tổng trị giá 174 triệu USD, phía Chính phủ Việt Nam cung cấp khoản tài trợ còn lại./.