WMO: Lũ lụt và cháy rừng đẩy Bắc Bán cầu vào mùa Hè khắc nghiệt

Một số quốc gia ở Tây Âu đã ghi nhận các trận mưa với tổng mực nước trong hai ngày cao bằng hai tháng thông thường, trong đó Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg chịu tác động nặng nề.
 Cảnh ngập lụt sau mưa lớn tại Liege, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảnh ngập lụt sau mưa lớn tại Liege, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 16/7, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết các đợt sóng nhiệt, cháy rừng và lũ lụt do mưa lớn đã quét qua toàn bộ Bắc Bán cầu trong mùa Hè này, khiến hàng trăm người thiệt mạng và phá hủy nhiều nhà cửa.

Báo cáo của WMO nêu rõ tình trạng biến đổi khí hậu, do con người gây ra, đã khiến những hình thái thời tiết cực đoan trở nên nghiêm trọng hơn, tàn phá nhiều khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Một số quốc gia ở Tây Âu đã ghi nhận các trận mưa với tổng mực nước trong hai ngày cao bằng hai tháng thông thường, trong đó Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg chịu tác động nặng nề.

Tuy nhiên, theo WMO, châu Âu không chỉ chịu tác động của các đợt mưa lớn và lũ lụt.

Vùng Scandinavia, và đặc biệt là ở Phần Lan, đã ghi nhận sự xuất hiện của các đợt sóng nhiệt kéo dài, trong đó có những đợt chưa từng thấy. Ví dụ, Phần Lan đã trải qua tháng Sáu nóng nhất từ trước đến nay, vùng Kouvola Anjala ở miền Nam đã trải qua 27 ngày liên tiếp có mức nhiệt trên 25 độ C, tình trạng chưa từng xuất hiện kể từ năm 1961.

Trong khi đó, các đợt sóng nhiệt tương tự cũng gây ra những vụ cháy rừng đặc biệt nghiêm trọng ở vùng phía Tây của nước Mỹ và Canada, trong đó những bang như California, Utah và Tây Canada ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục.

[Mưa lũ ở Đức gây hậu quả thảm khốc nhất kể từ Thế chiến thứ 2]

WMO dẫn nhận định của một nhóm nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới cho biết đợt sóng nhiệt kỷ lục xảy ra tại Mỹ và Canada vào cuối tháng Sáu sẽ không thể xảy ra nếu không có sự tác động của tình trạng biến đổi khí hậu do chính con người gây ra.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 16/7, người phát ngôn của WMO Clare Nullis cho biết các chuyên gia đều tin rằng do biến đổi khí hậu nên tần suất xảy ra các hình thái thời tiết cực đoan và nhiều hình thái khác cũng đã được chứng minh là diễn biến tồi tệ hơn do tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Khi bầu khí quyển trở nên nóng hơn, sẽ tích nhiều hơi nước hơn nên mưa bão sẽ nặng hạt hơn, tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt.

WMO: Lũ lụt và cháy rừng đẩy Bắc Bán cầu vào mùa Hè khắc nghiệt ảnh 1Một tuyến đường bị phá hủy do lũ lụt tại Hagen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng ngày, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng công bố nghiên cứu cho thấy các đợt nắng nóng cũng dẫn đến các ca nhập viện vì sốc nhiệt gia tăng.

Nghiên cứu của CDC nêu rõ các đợt sóng nhiệt xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp tới sức khỏe của cong người, trong đó có cả những ca bệnh và tử vong vì nắng nóng.

CDC cho rằng trong những năm tới, tình trạng nhiệt độ tăng cao tại vùng Tây Bắc nước Mỹ sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng với sức khỏe của người dân.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 25-30/6, phần lớn bang Oregon và Washington đều nằm trong diện cảnh báo nền nhiệt tăng của Cơ quan thời tiết quốc gia.

Các đợt nắng nóng kỷ lục có tác động nghiêm trọng nhất tới hai bang trên, đặc biệt là ở vùng đô thị Portland, nới từng ghi nhận nhiệt độ lên tới 46,7 độ C, cao hơn 5,6 độ C so với nhiệt độ trung bình tối đa ghi nhận trong tháng Sáu.

Trong tháng 5-6 vừa qua, CDC đã ghi nhận tổng cộng 3.504 chuyến cấp cứu vì các bệnh do nắng nóng tại các bang Alaska, Idaho, Oregon và Washington và có tới 79% trong số này xảy ra trong giai đoạn từ 25-30/6 NWS cảnh báo nền nhiệt tăng mạnh tại hai bang Oregon và Washington. Nam giới và những người trên 75 tuổi là nhóm chịu tác động nhiều nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục