Ngày 18/5, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã cảnh báo bốn chỉ số biến đổi khí hậu chính bao gồm nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, nhiệt độ đại dương và axit hóa đại dương đều lên các mức kỷ lục mới vào năm 2021.
Đây là những dấu hiệu rõ ràng nữa cho thấy các hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi trên đất, trong đại dương và trong khí quyển trên quy mô toàn cầu với những tác động có hại và lâu dài đối với sự phát triển bền vững và các hệ sinh thái.
Báo cáo "Tình trạng Khí hậu toàn cầu năm 2021" của WMO xác nhận rằng 7 năm qua là 7 năm ấm nhất được ghi nhận. Năm 2021 “chỉ” là một trong 7 thời điểm ấm nhất do sự kiện La Nina diễn ra vào đầu và cuối năm. Điều này có tác dụng làm mát tạm thời nhưng không đảo ngược xu hướng tăng nhiệt độ chung.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2021 cao hơn khoảng 1,11 độ C so với mức trước công nghiệp.
Tổng Thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas cho biết: “Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng ta chứng kiến một năm ấm nhất nữa được ghi nhận. Quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra. Mực nước biển dâng, sức nóng của đại dương và quá trình axit hóa sẽ tiếp diễn trong hàng trăm năm nữa trừ khi con người phát minh ra các phương pháp loại bỏ carbon khỏi khí quyển. Một số dòng sông băng đã đạt đến ngưỡng không thể quay trở lại như trước đây và điều này sẽ gây ra hậu quả lâu dài trong một thế giới mà hơn 2 tỷ người đã phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước."
Theo Giáo sư Taalas, thời tiết khắc nghiệt có ảnh hưởng tức thời nhất đến cuộc sống hằng ngày của con người. Tăng cường đầu tư lâu dài cho công tác phòng ngừa thiên tai mang lại hiệu quả sau này, tăng khả năng chống chọi của con người. Ông nêu bật tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại khu vực Sừng châu Phi, lũ lụt kinh hoàng ở Nam Phi cũng như thời tiết nắng nóng khắc nghiệt ở Ấn Độ và Pakistan.
[Tác nhân chính gây ra các đợt nắng nóng cực đoan trên toàn cầu]
Trước thực tế này, Hệ thống Cảnh báo sớm để thích ứng với khí hậu là rất cần thiết, nhưng hiện chưa đến 50% các nước thành viên WMO có hệ thống này. Thiên tai do biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ USD, đe dọa cuộc sống của người dân và gây ra thiệt hại nặng nề cho cuộc sống của con người, đồng thời gây ra những cú sốc cho an ninh lương thực và an ninh nguồn nước.
Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres đã kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm đạt mục tiêu chuyển đổi các hệ thống năng lượng từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu xanh. Ông đã đề xuất 5 hành động quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, gồm tăng khả năng tiếp cận công nghệ và nguồn cung cấp năng lượng tái tạo, tăng gấp 3 lần đầu tư công và tư nhân vào năng lượng tái tạo, chấm dứt trợ cấp cho các ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch...
Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh năng lượng tái tạo là con đường duy nhất đảm bảo an ninh năng lượng thực sự, giá điện ổn định và cơ hội việc làm bền vững. Ông khẳng định nếu các nước cùng hành động, chuyển đổi năng lượng tái tạo có thể là dự án hòa bình của thế kỷ 21. Thế giới phải hành động trong thập kỷ này để ngăn chặn các tác động ngày càng xấu của tình trạng biến đổi khí hậu và giữ cho nhiệt độ tăng ở mức dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Báo cáo "Tình trạng Khí hậu toàn cầu năm 2021" của WMO bổ sung cho báo cáo Đánh giá lần thứ sáu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Báo cáo sẽ được sử dụng làm tài liệu chính thức tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) sẽ diễn ra tại Ai Cập vào cuối năm nay./.