WIPO: Lãi suất ngân hàng cao cản trở tương lai của sự đổi mới

Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang cảnh báo nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đang ngày càng khan hiếm, đặc biệt, lãi suất ngân hàng ở mức cao hiện nay gây nguy hiểm cho tương lai của sự đổi mới.
WIPO: Lãi suất ngân hàng cao cản trở tương lai của sự đổi mới ảnh 1Vốn đầu tư mạo hiểm trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 47%. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã bày tỏ quan ngại về nguồn tài trợ cho các dự án đổi mới đang ngày càng bấp bênh, khi lãi suất ngân hàng cao sẽ khiến các nhà đầu tư mạo hiểm chần chừ.

Trong báo cáo được công bố ngày 27/9, WIPO chỉ rõ năm 2022 chứng kiến chính phủ các nước và nhiều công tư tăng ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.

Tuy nhiên, cũng vào thời điểm đó, giá trị toàn cầu của vốn đầu tư mạo hiểm (VC) vốn giúp biến các ý tưởng và nguồn cảm hứng thành sản phẩm và dịch vụ, đã giảm 40% và xu hướng giảm này vẫn đang tiếp tục.

Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang cảnh báo có sự sụt giảm trong môi trường đầu tư và nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đang ngày càng khan hiếm.

Báo cáo chỉ rõ sự sụt giảm vào năm ngoái xảy ra sau khi nguồn tài trợ cho các dự án đổi mới tăng mạnh vào năm 2021, do đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy chi tiêu ở các lĩnh vực mới và ở cả những khu vực thường không nhận được phần lớn các khoản đầu tư như vậy.

[Huy động vốn khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp lo ngại]

Ông Sacha Wunsch-Vincent, đồng tác giả báo cáo, cho biết sự sụt giảm này vẫn tiếp tục, khi vốn đầu tư mạo hiểm trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Sacha Wunsch-Vincent, điều kiện đầu tư khắc nghiệt hơn, bao gồm cả tốc độ phục hồi kinh tế chậm, tình hình địa chính trị căng thẳng, đã dẫn đến sự sụt giảm về nguồn tài trợ này. Đặc biệt, lãi suất ngân hàng ở mức cao hiện nay gây nguy hiểm cho tương lai của sự đổi mới.

Ông nhấn mạnh: "Việc cho vay không còn miễn phí nữa. Đây thực sự là sự kết thúc của nguồn vốn rẻ."

Mặc dù vậy, WIPO cũng đề cập đến một số điểm sáng trong bức tranh về sự đổi mới. Trong đó, năm 2022 được đánh dấu bằng sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu cho R&D của các tập đoàn, lên mức cao kỷ lục 1.100 tỷ USD.

Báo cáo cho thấy số bằng sáng chế cũng tiếp tục tăng, một phần là nhờ sự thúc đẩy từ hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Wunsch-Vincent cho biết các công ty công nghệ truyền thông đang "chạy đua" để đầu tư cho AI. Các lĩnh vực như dược phẩm, công nghệ sinh học và xây dựng cũng thu hút nguồn tài trợ lớn.

WIPO cũng công bố Báo cáo xếp hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu 2023, theo đó Thụy Sĩ tiếp tục đứng đầu danh sách này trong năm thứ 13 liên tiếp. Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3, nhường vị trí thứ 2 cho Thụy Điển.

Nhiều nước phương Tây vẫn góp mặt trong top 10 quốc gia đạt điểm cao nhất trong bảng xếp hạng, duy chỉ có vị trí thứ 5 và thứ 10 lần lượt thuộc về Singapore và Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục