Trong báo cáo công bố ngày 25/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết theo thống kê mới nhất, tính đến ngày 21/9, có ít nhất 2.917 người tử vong trong tổng số 6.263 ca nhiễm virus Ebola ở 5 quốc gia Tây Phi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh này.
Theo báo cáo, tình trạng lây nhiễm vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng tại Liberia và Sierra Leone.
Cụ thể, tại Liberia, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đã có 3.280 người bị nhiễm virus Ebola, trong đó hơn một nửa là lây nhiễm trong 3 tuần qua. Con số tử vong là 1.677 người.
Còn tại Sierra Leone, 593 người trong số 1.940 ca nhiễm bệnh đã tử vong. 38% số ca nhiễm bệnh là trong 3 tuần kể từ ngày 1/9, khiến chính phủ nước này phải áp dụng lệnh giới nghiêm trong thời gian ba ngày, bắt đầu từ ngày 19/9, để kiềm chế sự lây lan của virus chết người Ebola.
Tuy nhiên, WHO cũng cho biết tại Guinea, nơi khởi phát của dịch bệnh nguy hiểm này, tình hình có vẻ đã ổn định hơn khi mỗi tuần chỉ có thêm khoảng 75-100 ca nhiễm mới. Tới nay số ca nhiễm Ebola tại quốc gia này là 1.022 người, với 635 trường hợp tử vong.
Trước xu hướng dịch bệnh lây lan nhanh chóng, ngày 25/9, Chính phủ Sierra Leon đã ban bố lệnh cách ly khẩn cấp đối với 3 huyện là Port Loko, Bombali ở miền Bắc và Moyamba ở miền Nam, cùng 12 khu bộ tộc. Đây là lệnh cách ly trên quy mô rộng lớn nhất kể từ khi dịch bùng phát ở Tây Phi.
Như vậy, với việc hai huyện ở miền Đông Sierra Leone là Keneka và Kailahun trước đó cũng đã bị cách ly, tới nay có trên 1/3 trong số 6 triệu dân quốc gia Tây Phi này không thể di chuyển tự do. Tuy lệnh cách ly khẩn cấp gây nhiều khó khăn cho người dân, nhưng theo Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma, đây là việc làm cần thiết để đảm bảo cho sự an toàn và tồn vong của quốc gia./.