Cách đây 3 năm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19, căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, là đại dịch toàn cầu.
Sau 3 năm, những tín hiệu tích cực cho một cuộc sống bình thường mới đã xuất hiện nhờ những nỗ lực kiểm soát đại dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những “cơn sóng dữ” đã đi qua nhưng WHO vẫn quyết định duy trì cảnh báo ở cấp độ cao nhất trên toàn cầu với đại dịch này.
Phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam để làm rõ hơn về quyết định của WHO cũng như những đánh giá về công tác phòng, chống dịch của Việt Nam trong thời gian qua và giai đoạn tiếp theo.
- Đã tròn 3 năm kể từ ngày WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, bà đánh giá thế nào về tình hình dịch trên thế giới cũng như tại Việt Nam?
Bà Angela Pratt: Ba năm sau khi Tổng Giám đốc WHO, Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu gây quan ngại quốc tế, đã có hơn 760 triệu ca mắc và gần 7 triệu ca tử vong được báo cáo trên toàn cầu.
Mặc dù số ca mắc và tử vong được báo cáo đã giảm đáng kể trong vài tuần qua nhưng với sự chậm trễ trong việc báo cáo và giảm xét nghiệm ở nhiều quốc gia, chúng tôi tin rằng số ca mắc chính thức có thể cao hơn.
Tuy nhiên, điều đáng khích lệ là lần đầu tiên số ca tử vong được báo cáo hàng tuần trong tháng qua đã thấp hơn so với thời điểm ba năm trước từ khi lần đầu tiên sử dụng khái niệm “đại dịch.”
[Việt Nam đã có hơn 10 triệu ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi bệnh]
Tuy nhiên, chúng ta phải luôn cảnh giác, bởi virus này có thể tiếp tục phát triển với các biến thể hoặc biến thể phụ mới xuất hiện. Cần tiếp tục tiến hành đánh giá nguy cơ thường xuyên đối với các biến thể và biến thể phụ để xác định xem cần điều chỉnh gì đối với các biện pháp y tế công cộng.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn “quản lý bền vững” của đại dịch, chúng tôi vui mừng nhận thấy tình hình tiếp tục ổn định, với số ca mắc báo cáo hàng ngày rất thấp; quan trọng là không có trường hợp tử vong trong hơn hai tháng qua.
Năm nay là năm thứ tư của đại dịch, Việt Nam và thế giới đang ở trong tình trạng tốt đẹp hơn nhiều so với 12 tháng trước. Các công cụ và vaccine mà chúng ta có đã được chứng minh là có thể bảo vệ mạng sống, giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng, tử vong; đồng thời, giúp hệ thống y tế hoạt động bình thường trở lại ở hầu hết các nơi.
Vì vậy, tôi hy vọng, 2023 sẽ là năm chúng ta có thể khẳng định COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế.
- Tại sao WHO vẫn quyết định duy trì mức cảnh báo tối đa đối với đại dịch COVID-19?
Bà Angela Pratt: Trong khi thế giới đang ở trong tình trạng tốt hơn so với thời kỳ đỉnh điểm lây truyền của biến thể Omicron một năm trước và phần lớn cuộc sống ở Việt Nam đã trở lại bình thường nhưng thật đáng buồn là đại dịch vẫn chưa kết thúc.
Tại cuộc họp gần đây nhất của Ủy ban Khẩn cấp về COVID-19 của WHO vào cuối tháng 1/2023, COVID-19 vẫn được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Điều này có thể lý giải như sau: Mặc dù số ca tử vong đang giảm nhưng vẫn có hơn 28.000 ca tử vong được báo cáo trong bốn tuần qua. Con số này còn quá cao để có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, vẫn còn những khoảng trống đáng kể trong công tác tiêm chủng. Trên toàn cầu, chỉ có khoảng một nửa dân số đã hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng ban đầu. Việc giám sát và giải trình tự gene đã giảm trên toàn cầu, điều này cản trở việc theo dõi các biến thể đã biết và phát hiện các biến thể mới.
Một số hệ thống y tế trên thế giới vẫn đang phải vật lộn với COVID-19 và các loại dịch bệnh khác, thậm chí các hệ thống y tế này còn trở nên mong manh hơn sau giai đoạn cấp tính của đại dịch. Tình trạng thiếu nhân lực y tế vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia và cộng đồng, cùng với các báo cáo liên tục về sự mệt mỏi của nhân viên y tế.
Việc ứng phó hiệu quả với COVID-19 vẫn là thách thức với nhiều quốc gia. Các quốc gia này vẫn thiếu các công cụ, phương pháp điều trị và vaccine để bảo vệ một cách đầy đủ các nhóm có nguy cơ cao và dễ bị tổn thương, bao gồm nhân viên y tế, người già và những người có bệnh nền.
Tuy nhiên, nhìn chung, thế giới tiếp tục đạt được những tiến bộ tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và trong những tháng tới, Ủy ban Khẩn cấp của WHO sẽ xem xét lại liệu COVID-19 có còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế hay không.
- WHO đánh giá thế nào đối với công tác ứng phó với đại dịch COVID-19 của Việt Nam đối với từng giai đoạn dịch?
Bà Angela Pratt: Ngay từ đầu đại dịch, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp xã hội và y tế công cộng mạnh mẽ và hiệu quả để ứng phó với COVID-19. Các biện pháp này bao gồm: Tăng cường năng lực để phát hiện và ứng phó sớm; nhiều biện pháp giám sát mạnh mẽ; kiểm soát biên giới chặt chẽ và giãn cách xã hội; sự tuân thủ của cộng đồng với các hành vi bảo vệ cá nhân và năng lực của hệ thống y tế.
Tất cả các biện pháp này giúp giữ số ca mắc và tử vong ở mức thấp cho đến khi có vaccine. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất khu vực, đặc biệt là giai đoạn đầu của đại dịch.
Điều này được thực hiện thông qua sự lãnh đạo quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ; những nỗ lực to lớn của cộng đồng và sự đóng góp không mệt mỏi của ngành Y tế, đặc biệt là nhân viên y tế.
Việt Nam sau đó đã triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 liều cơ bản vào năm 2021 và 2022 một cách đáng kinh ngạc. Tốc độ và quy mô của chiến dịch tiêm chủng, bao gồm những nỗ lực nhằm đảm bảo vaccine đến được mọi nơi trên đất nước, là một trong những câu chuyện thành công lớn về ứng phó với COVID-19 của Việt Nam và rộng hơn là khu vực của chúng ta.
Chính phủ Việt Nam, bao gồm Bộ Y tế, nhân viên y tế, doanh nghiệp, cộng đồng và các đối tác đều đáng được ngợi khen vì những nỗ lực này. Điều đó đã mang lại kết quả, vào năm 2022, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển sang giai đoạn mà chúng ta gọi là “quản lý bền vững” đối với COVID-19 - cân bằng giữa phát triển kinh tế-xã hội với các biện pháp y tế công cộng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương cũng như hệ thống y tế.
Tuy nhiên, thật không may là đại dịch vẫn chưa kết thúc, chúng ta phải tiếp tục cảnh giác, giám sát chặt chẽ, đảm bảo tất cả mọi người đủ điều kiện, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất được tiêm phòng và tiêm mũi nhắc lại, bằng cách tiếp tục khuyến khích mọi người lưu tâm đến các nguy cơ cá nhân của mình.
Điều này có nghĩa là ở một số nơi có nguy cơ cao hơn, người dân cần duy trì các biện pháp y tế cơ bản như đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ mắc bệnh và lây bệnh cho người khác, đặc biệt là những người dễ mắc bệnh nặng như người già và người có bệnh nền.
Với việc các chính phủ luôn cảnh giác và cộng đồng luôn lưu tâm, chúng ta có thể tiếp tục bảo vệ hệ thống y tế; xây dựng phục hồi kinh tế-xã hội đầy ấn tượng của Việt Nam.
- Hệ thống y tế ở Việt Nam liệu có đáp ứng nếu đại dịch diễn biến xấu đi?
Bà Angela Pratt: Việt Nam đã và đang ở giai đoạn “quản lý bền vững” đối với dịch COVID-19. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng đại dịch toàn cầu vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, chúng ta có các công cụ, phương pháp điều trị và vaccine để giúp giảm thiểu nguy cơ, bảo vệ sinh mạng và ứng phó với sự gia tăng số ca bệnh trong tương lai khi cần.
Để chuẩn bị tốt cho việc này, điều quan trọng cần làm là tiếp tục củng cố hệ thống y tế để đảm bảo có thể đối phó với sự gia tăng số ca bệnh; duy trì và xây dựng năng lực cho nhân viên y tế; cập nhật thông tin về tiêm chủng cho các nhóm dân cư đủ điều kiện và chuẩn bị cho tiêm chủng đại trà nếu cần; tăng cường giám sát đa nguồn; xét nghiệm và giải trình tự gen, để phát hiện những thay đổi và đột biến gen có thể xảy ra.
Đối với Việt Nam, nếu chúng ta duy trì sự chuẩn bị sẵn sàng; rà soát lại kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với đại dịch quốc gia, với kinh nghiệm trong ba năm qua, tôi tin rằng Việt Nam sẽ sẵn sàng ứng phó với các đợt bùng phát trong tương lai.
- Cho đến nay, vaccine vẫn là "vũ khí" hữu hiệu phòng, chống dịch, WHO có khuyến cáo như thế nào đối với các quốc gia trong đó có Việt Nam về các biện pháp chống dịch đáp ứng với tình hình mới?
Bà Angela Pratt: Đối với cá nhân và cộng đồng, chúng tôi khuyến khích mọi người cân nhắc mức độ nguy cơ của mình và tuân thủ hướng dẫn 2K+ của Bộ Y tế.
Các biện pháp này bao gồm đeo khẩu trang ở những nơi đông người và không gian kín, rửa tay thường xuyên. Đây là những điều rất quan trọng để ngăn ngừa nhiều loại bệnh, không chỉ riêng COVID-19. Đối với người lớn và trẻ em đủ điều kiện đều cần được tiêm vaccine và tiêm mũi nhắc lại.
Đối với Chính phủ, để tiếp tục phát huy những thành tích xuất sắc đã đạt được cần tập trung vào ba việc chính: Tiếp tục theo dõi số ca nhập viện, ca nặng và năng lực y tế; duy trì trạng thái sẵn sàng ứng phó nếu có những đợt bùng phát trong tương lai (bao gồm khả năng huy động sự hỗ trợ của bệnh viện và nhân viên y tế nếu cần); tiếp tục điều chỉnh các biện pháp y tế công cộng khi cần để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm người cao tuổi, người có bệnh nền, nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu.
Trong thời điểm khó khăn của đại dịch, cùng với sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ, người dân Việt Nam đã đoàn kết để chiến đấu thành công với COVID-19; nhưng tất cả chúng ta phải luôn cảnh giác để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và hệ thống y tế, đồng thời duy trì phục hồi kinh tế và xã hội ấn tượng của Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn bà!