WHO vẫn coi dịch Ebola tại CHCD Congo là tình trạng khẩn cấp toàn cầu

WHO nhận định mặc dù virus Ebola có nguy cơ lây lan thấp trên phạm vi quốc tế, nhưng dịch bệnh này vẫn là một trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng và cần có sự phối hợp, hỗ trợ quốc tế để đối phó.
Nhân viên y tế làm việc tại khu vực cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola tại Butembo, CHDC Congo, ngày 9/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế làm việc tại khu vực cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola tại Butembo, CHDC Congo, ngày 9/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 14/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã gia hạn tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Ebola tại Cộng hòa dân chủ Congo sau khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh mới.

Thông báo của WHO được đưa ra chỉ 4 ngày sau khi Bộ Y tế quốc gia Trung Phi này ghi nhận trường hợp nhiễm mới và đã tử vong vì virus Ebola tại thành phố Beni, tỉnh Bắc Kivu hôm 10/4.

Sau đó, một phụ nữ trẻ đang điều trị Ebola cũng đã tử vong ngày 12/4.

Ủy ban khẩn cấp của WHO xác định rằng mặc dù vào thời điểm hiện tại, virus Ebola có nguy cơ lây lan thấp trên phạm vi quốc tế, nhưng dịch bệnh này vẫn là một trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng và cần có sự phối hợp, hỗ trợ quốc tế để đối phó hiệu quả, ngăn ngừa dịch tái phát.

[CHDC Congo có ca nhiễm Ebola ngay trước thời điểm tuyên bố hết dịch]

Trong bối cảnh đó, vắcxin hiện được coi là công cụ y tế công cộng tốt nhất để ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch Ebola và ủy ban cũng kêu gọi cung cấp thêm vắcxin để giúp đỡ những đối tượng có nguy cơ cao tại các vùng dịch.

Kể từ khi công bố bùng phát hồi tháng 7/2018, đợt dịch Ebola thứ 10 tại Cộng hòa dân chủ Congo đã khiến 3.453 người nhiễm bệnh và 2.276 ca tử vong.

Điều kiện để được công bố hết dịch bệnh là không phát hiện trường hợp nhiễm mới nào trong thời hạn 42 ngày (gấp đôi thời gian ủ bệnh).

Cộng hòa dân chủ Congo hiện đang phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh kép.

Ngoài Ebola, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp tại nước này, với 241 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 20 người đã tử vong.

Tình trạng khó khăn về kinh tế, cơ sở hạ tầng thiếu hụt, hệ thống y tế nghèo nàn và tình trạng xung đột tại nhiều khu vực có dịch bùng phát đã cản trở những nỗ lực của cơ quan chức năng Cộng hòa dân chủ Congo và cộng đồng quốc tế trong đối phó với các dịch bệnh tại nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục