Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23/1 thông báo sẽ phối hợp với chính quyền Somalia triển khai kế hoạch ứng phó với dịch tả đang lan rộng tại nước này, trong bối cảnh tỷ lệ tử vong do dịch bệnh đã vượt ngưỡng khẩn cấp.
Dự kiến, kế hoạch này sẽ được thực hiện trong vòng 6 tháng với mức ngân sách ước tính 5,6 triệu USD.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, ít nhất 9 người đã tử vong do tiêu chảy cấp (AWD) hoặc bệnh tả trong tổng số 474 trường hợp ghi nhận tại Somalia từ ngày 7-13/1. Tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc bệnh (CFR) trong thời gian này đã cao hơn ngưỡng khẩn cấp 1% theo tiêu chuẩn của WHO.
WHO cho biết hầu hết các trường hợp mắc bệnh tập trung tại các khu vực Hiran và Middle Shabelle, thuộc miền Trung Somalia.
Nguyên nhân bùng dịch được xác định là do thiếu nguồn nước sạch, điều kiện hạn chế về vệ sinh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính đã làm giảm khả năng miễn dịch của trẻ em đối với dịch tả.
Theo WHO, tình trạng lây nhiễm AWD/dịch tả đã diễn ra liên tục tại Somalia kể từ năm 2022 và tại khu vực Banadir (Đông Nam nước này) kể từ đợt hạn hán năm 2017.
Trong năm 2023, Somalia ghi nhận hơn 18.300 ca mắc bệnh tả, trong đó có 46 trường hợp tử vong. Số trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh này là hơn 10.000 trẻ - chiếm khoảng 55% tổng số ca bệnh.
Hiện các hoạt động ứng phó nhằm kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương của Somalia đang được tích cực triển khai, trong đó bao gồm các biện pháp tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh, xử lý nước an toàn và thực hành vệ sinh môi trường./.
Somalia: Mưa lớn ngày càng nghiêm trọng, dịch tả lây lan đáng báo động
Kể từ đầu năm đến nay đã có tổng cộng 45.266 trường hợp mới bị nghi ngờ mắc bệnh tả, trong đó có 42 trường hợp tử vong liên quan đã được ghi nhận tại 29 huyện của Somalia.