WHO: Tunisia, Palestine nhận vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên theo COVAX

Theo quan chức WHO, dự kiến Palestine sẽ nhận được 37.000 liều vắcxin phòng COVID-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất từ giữa tháng Hai, trong khi Tunisia sẽ nhận được 93.600 liều.
WHO: Tunisia, Palestine nhận vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên theo COVAX ảnh 1Một loại vắcxin phòng COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/2, Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Rick Brennan cho biết Tunisia và Palestine được hưởng lợi từ đợt cung cấp vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên từ chương trình tiếp cận vắcxin COVAX, nhưng các quốc gia nghèo hơn ở Trung Đông sẽ phải đối mặt với “khoảng cách lớn” trong việc cung cấp vắcxin sớm.

Theo quan chức WHO, dự kiến Palestine sẽ nhận được 37.000 liều vắcxin phòng COVID-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất từ giữa tháng Hai, trong khi Tunisia sẽ nhận được 93.600 liều.

Khu vực Đông Địa Trung Hải theo phân chia của WHO bao gồm các nước Afghanistan, Pakistan, Somalia và Djibouti, cũng như các quốc gia Trung Đông.

Trả lời phỏng vấn, ông Rick Brennan nhấn mạnh vắcxin đang thiếu hụt, lượng vắcxin sẵn có và vấn đề tài chính chưa đảm bảo, việc chậm cung cấp vắcxin cho các nước nghèo hơn đã làm tăng nguy cơ lây lan các biến thể của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây lan cao hơn và khó điều trị hơn.

Sau khi cấp phép vắcxin của Pfizer/BioNTech để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, WHO đang nỗ lực đánh giá các loại vắcxin khác rẻ hơn có thể được cung cấp thông qua COVAX.

Tổ chức này hy vọng sẽ bắt đầu tiêm chủng ở tất cả các quốc gia trên toàn cầu vào đầu tháng Tư và tiêm chủng cho các nhóm dân số có nguy cơ cao vào giữa năm.

Chương trình chia sẻ vắcxin COVAX được WHO và liên minh vắcxin GAVI thúc đẩy để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng đối với vắcxin COVID-19 trên toàn cầu.

Tuy nhiên, có một "khoảng cách rất lớn" giữa kế hoạch triển khai vắcxin ở các nước giàu và những nước có thu nhập thấp hơn hoặc những nước bị ảnh hưởng bởi xung đột.

[Dịch COVID-19: Philippines tiếp nhận hơn 5 triệu liều vắcxin từ COVAX]

Ngày 1/2, Nam Phi đã tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên gồm một triệu liều AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất, dự kiến sẽ được sử dụng để tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu, bắt đầu từ giữa tháng 2/2021.

Tổng thống Cyril Ramaphosa, Phó Tổng thống David Mabuza - Chủ tịch Ủy ban liên bộ về các vắcxin, và đại diện một số cơ quan chức năng Nam Phi đã tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên này do chuyến bay của hãng Emirates chuyên chở và hạ cánh tại Sân bay Quốc tế O.R Tambo ở Johannesburg.

Tổng thống Cyril Rampahosa đã thị sát lô hàng trước khi các xe tải chở một triệu liều vắcxin này đến các phòng thí nghiệm của Cơ quan Quản lý dược phẩm Nam Phi để kiểm tra hiệu lực tiếp theo, áp dụng các biện pháp dịch tễ cần thiết khác trước khi triển khai tiêm chủng cho nhóm ưu tiên đầu tiên.

Chính phủ Nam Phi dự kiến sẽ tiêm chủng cho 40 triệu người, chiếm 67% tổng dân số khoảng 59 triệu người vào cuối năm 2021, để đạt mức miễn dịch cộng đồng.

Phát biểu trực tiếp trên truyền hình tối 1/2, Tổng thống Ramaphosa cho biết ngoài 1 triệu liều vắcxin tiếp nhận trong buổi chiều cùng ngày, Nam Phi sẽ tiếp nhận thêm 0,5 triệu liều từ Viện Huyết thanh của Ấn Độ trong tháng Hai, tiếp nhận 12 triệu liều từ “Cơ chế tiếp cận vắcxin COVID-19 toàn cầu” (COVAX), 2 triệu liều trong số này sẽ được nhận trong tháng Ba tới, 9 triệu liều vắcxin do Johnson & Johnson sản xuất trong nước và 20 triệu liều vắcxin Pfizer sẽ bắt đầu được giao từ quý 2/2021.

Ngoài ra, đất nước Cầu Vồng tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vắcxin để mua thêm, cũng như thông qua nỗ lực tập thể của Liên minh châu Phi để đáp ứng nhu cầu trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục