Ngày 18/1, cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Bruce Aylward cho biết tổ chức này đang trong các cuộc đàm phán chuyên sâu với Pfizer về việc đưa vắcxin ngừa COVID-19 của hãng này vào danh mục vắcxin của WHO dùng để chia sẻ cho các nước nghèo.
Phát biểu tại cuộc họp ban điều hành của WHO, ông Aylward nói: "Chúng tôi đang trong các cuộc thảo luận chi tiết với Pfizer và tin rằng chúng ta sẽ sớm được tiếp cận sản phẩm này."
Chương trình chia sẻ vắcxin COVAX của WHO dự kiến bắt đầu triển khai vắcxin cho các nước nghèo và nước thu nhập trung bình vào tháng 2/2021.
[WHO kêu gọi đảm bảo phân phối công bằng vắcxin COVID-19]
Trong khi đó, Công ty Moody's Analytics đánh giá, việc Ấn Độ bắt đầu chương trình tiêm phòng COVID-19 là một "diễn biến quan trọng" đối với châu Á, sẽ giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở lục địa này, đặc biệt khi Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ 2 sau Mỹ, trong khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 và các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh tại Nhật Bản, Hàn Quốc cùng một số quốc gia Đông Nam Á tiếp tục cản trở sự phục hồi kinh tế không đồng đều tại châu Á.
Báo The Hindu dẫn một tuyên bố của Moody's Analytics nêu rõ: "Là nhà sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới, với 60% thị phần toàn cầu, Ấn Độ có thể sử dụng năng lực sản xuất hiện có của mình để đóng góp vào nhu cầu sản xuất và phân phối vắcxin hàng loạt cho các quốc gia khác bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu trong nước. Với việc dự kiến sớm xuất khẩu vắcxin COVID-19, Ấn Độ (cùng với Trung Quốc) dường như sẽ đi đầu trong việc thúc đẩy các nỗ lực phân phối của khu vực trong những tháng tới."
Cũng theo tuyên bố, việc Indonesia cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin COVID-19 Sinovac của Trung Quốc, vốn là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc làm như vậy, có thể mở ra cánh cửa cho các nền kinh tế khác tại châu Á làm theo.
Tuy nhiên, các báo cáo trái chiều về hiệu quả của Sinovac đã gây trở ngại cho kế hoạch tiêm chủng ở những quốc gia đang cân nhắc việc sử dụng vắcxin này.
Trước đó hôm 16/1, Ấn Độ đã khởi động một trong những chương trình tiêm chủng tham vọng nhất thế giới với mục tiêu tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho 300 triệu người trong tổng số 1,3 tỷ dân của nước này từ nay đến tháng 7/2021./.