Ngày 24/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết lần đầu tiên một loại vắcxin phòng sốt rét sẽ được thử nghiệm trên diện rộng với 360.000 trẻ em tại các quốc gia châu Phi.
Bắt đầu từ năm 2018, trẻ em dưới 5 tuổi tại các quốc gia gồm Ghana, Kenya và Malawi sẽ được tiêm chủng vắcxin RTS,S hay còn được gọi là Mosquirix.
Đây là sản phẩm được hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (Anh) bào chế.
Tuy không mang lại hiệu quả phòng bệnh triệt để trong các thử nghiệm lâm sàng nhưng Mosquirix vẫn được cấp phép thử nghiệm trên người và cũng là loại vắcxin chống sốt rét đầu tiên được các cơ quan chức năng cấp phép thử nghiệm. Trẻ em, đặc biệt là ở nhóm trẻ từ 5 đến 17 tháng tuổi, được yêu cầu tiêm đủ 4 mũi để có tác dụng tốt nhất.
Sốt rét vốn là nguyên nhân gây ra 429.000 ca tử vong mỗi năm, trong đó 92% các nạn nhân ở châu Phi và chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. WHO sẽ dựa trên kết quả kết quả thử nghiệm để cân nhắc xem có nên đưa loại vắcxin này vào gói các biện pháp chống sốt rét khuyến nghị hay không.
Nếu thành công, việc tiêm phòng Mosquirix cùng với các biện pháp can thiệp phòng và trị sốt rét hiện tại sẽ giúp cứu được hàng nghìn mạng người châu Phi mỗi năm.
Suốt 15 năm nỗ lực phòng và trị bệnh, số người thiệt mạng vì căn bệnh do muỗi gây ra này đã giảm thiểu 60% trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2015.
Sở dĩ Malawi, Kenya và Ghana được WHO chọn thử nghiệm vì đây là các quốc gia có tỷ lệ mắc sốt rét cao nhất và cũng là các quốc gia có nhiều chương trình chống sốt rét hiệu quả.
Các quốc gia này có thể tự quyết định các địa điểm thử nghiệm trong đó các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao được ưu tiên.
Chương trình dự kiến diễn ra từ năm 2018 đến năm 2020. Hồi tháng 11/2016, WHO đã cam kết tài trợ 100% vốn cho giai đoạn đầu thử nghiệm./.