Ngày 30/5, Tiến sỹ Rosamund Lewis, chuyên gia phụ trách các bệnh đậu mùa trong chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết ở thời điểm hiện tại, WHO không tin rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi sẽ dẫn đến một đại dịch.
Trong tuyên bố, bà Lewis cũng cho hay hiện vẫn thể xác định những người bệnh không triệu chứng có thể làm lan truyền virus đậu mùa khỉ hay không.
Theo thống kê, trong tháng Năm, thế giới đã ghi nhận hơn 300 trường hợp nghi ngờ và được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ, chủ yếu là ở châu Âu.
[Chuyên gia Anh cảnh báo "các sự kiện siêu lây lan" bệnh đậu mùa khỉ]
WHO đang xem xét liệu xu hướng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có được coi là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) như với COVID-19 hay Ebola hay không, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn bệnh dịch.
Đậu mùa khỉ lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể.
Triệu chứng bệnh xuất hiện trong vòng 5 đến 21 ngày kể từ khi nhiễm virus, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và mệt mỏi.
Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh này vẫn có thể gây tử vong.
Cho tới nay, chưa có báo cáo về ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát này. Hầu hết các ca bệnh được phát hiện ở châu Âu chứ không phải ở các nước Trung và Tây Phi, nơi virus lưu hành thường xuyên.
Các nhà khoa học đang tìm cách lý giải nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát lần này, trong khi giới chức y tế hoài nghi rằng căn bệnh này có khả năng đã lây nhiễm trong cộng đồng. Một số quốc gia đã bắt đầu tiêm vaccine cho những người tiếp xúc gần với ca bệnh./.