Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12/8 cho biết hơn một nửa số cơ sở y tế ở thủ đô Beirut của Liban "không thể hoạt động" sau vụ nổ kinh hoàng tuần trước làm hơn 171 người thiệt mạng, 6.000 người bị thương và 300.000 người mất nhà cửa.
Phát biểu tại họp báo trực tuyến ở Cairo, người phụ trách các vấn đề khẩn cấp khu vực của WHO, ông Richard Brennan cho biết sau khi đánh giá 55 cơ sở lâm sàng và trung tâm y tế ở Beirut, "chúng tôi biết rằng hơn 50% không hoạt động."
Trong số này có 3 bệnh viện lớn. Ngoài ra, 3 bệnh viện đang hoạt động dưới công suất bình thường, khi phải giảm 500-600 giường bệnh.
Các bệnh viện ở Beirut, vốn là nơi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân quanh vùng, đang phải vất vả để tồn tại trong bối cảnh suy giảm nguồn lực tài chính từ cuối năm ngoái.
Các bệnh viện thiếu thốn đủ thứ, từ thiết bị thẩm tách máu đến ống tiêm... do nhà nước vẫn chưa giải ngân hàng triệu USD cho các bệnh viện.
[Vụ nổ ở Beirut: Thêm nhiều chuyến hàng cứu trợ tới Liban]
Trong khi đó, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gia tăng, khiến các bệnh viện trở nên quá tải. Nhưng tệ hơn nữa, vụ nổ kinh hoàng ở Beirut đã làm nhiều bệnh viện bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại.
Giám đốc chương trình khu vực của WHO, Rana Hajjeh cho biết: "Một tuần sau vụ nổ, WHO vẫn lo ngại về sức khỏe của những người bị thương, những người mất người thân, hoặc những người mất nhà cửa, và cho rằng phải mất nhiều năm mới phục hồi những nỗi đau tâm lý sau vụ nổ."
Đặc biệt, ông Hajjeh bày tỏ lo ngại nguy cơ COVID-19 trở lại, đồng thời cho biết WHO đã kêu gọi viện trợ 76 triệu USD cho Liban.
Trong một diễn biến liên quan, Iran cho biết ít nhất 700 người bị thương trong vụ nổ trên đã được chăm sóc y tế tại bệnh viện dã chiến do Iran xây dựng tại Beirut ngày 9/8.
Theo một quan chức Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Iran (IRCS), một số ca phẫu thuật cũng đã được tiến hành tại bệnh viện này với sự giúp đỡ của các bác sỹ Iran.
Đến nay, Iran đã viện trợ 95 tấn hàng cho Beirut, trong đó có nhiều loại thuốc men và lương thực. Một xe khác chở 60 tấn hàng cũng sẽ sớm đến Beirut.
Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế sắp mãn nhiệm Liban Raoul Nehme cho biết nước này có đủ lúa mỳ dự trữ cho 4 tháng đang được cất giữ tại các kho hoặc trên các tàu hàng sẽ cập cảng trong tháng 8.
Cụ thể, Liban đang có 30.000 tấn lúa mỳ trong kho và 110.000 tấn sẽ được nhập khẩu trong hai tuần tới.
Ngoài ra, Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP) cũng sẽ gửi 17.000 tấn bột mỳ trong đợt viện trợ đầu tiên trong khuôn khổ kế hoạch cung cấp 50.000 tấn.
Ông Nehme khẳng định: "Chúng tôi không gặp khủng hoảng về dự trữ hay khủng hoảng bánh mỳ"./.