WHO khuyến cáo các nước thận trọng khi dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang

Một quan chức WHO nhấn mạnh việc dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang chỉ nên được thực hiện dựa trên các yếu tố gồm mức độ lây lan dịch bệnh trong khu vực và quy mô tiêm chủng vaccine.
WHO khuyến cáo các nước thận trọng khi dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hiroshima, Nhật Bản ngày 14/5/2021. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Ngày 14/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các nước cần thận trọng khi dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, theo đó cần phải xem xét dựa trên tình hình dịch tễ ở trong nước.

Trước đó một ngày, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ thông báo một hướng dẫn liên bang mới, trong đó nêu rõ những người đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và sau hai tuần của mũi tiêm phòng bắt buộc thứ hai sẽ không cần phải đeo khẩu trang ở trong nhà hoặc bên ngoài cũng như không cần phải thực hiện giữ khoảng cách vật lý.

Tuy nhiên, phát biểu họp báo trực tuyến ở Geneva (Thụy Sĩ), Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, Tiến sỹ Michael Ryan, nhấn mạnh việc dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang chỉ nên được thực hiện dựa trên các yếu tố gồm mức độ lây lan dịch bệnh trong khu vực và quy mô tiêm chủng vaccine.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước giàu xem xét lại kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, thay vào đó cung cấp vaccine cho cơ chế vaccine toàn cầu COVAX để chia sẻ cho các nước nghèo.

Ông đồng thời cảnh báo đại dịch COVID-19 trong năm thứ hai bùng phát có thể sẽ nghiêm trọng hơn năm đầu tiên với số ca tử vong cao hơn, trong đó Ấn Độ là một mối quan ngại lớn.

Theo số liệu của hãng AFP, gần 1,4 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho người dân tại ít nhất 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hơn 44% số liều vaccine được tiêm ở các quốc gia có thu nhập cao chiếm 16% dân số toàn cầu, trong khi con số này ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất chỉ là 0,3%.

Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã làm 3,3 triệu người trên thế giới tử vong kể từ khi bùng phát hồi tháng 12/2019./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục