Các loại vaccine phòng COVID-19 giúp giảm khoảng 40% nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định như trên ngày 24/11, đồng thời cảnh báo rằng mọi người không nên quá phụ thuộc vào việc tiêm phòng mà lơ là các biện pháp bảo vệ khác.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi những người đã tiêm phòng tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Ông lưu ý tuần trước, số ca mắc mới và tử vong ở châu Âu tiếp tục chiếm hơn 60% các ca trên toàn cầu. Biểu đồ số ca mắc đi lên theo hướng thẳng đứng tiếp tục gây áp lực lên các hệ thống y tế ở Lục địa già và đẩy các nhân viên y tế vào tình trạng kiệt sức.
WHO lo ngại về việc người dân lầm tưởng rằng đại dịch đã chấm dứt sau khi có vaccine và những người đã tiêm phòng nghĩ rằng không cần đề phòng nữa. Tổng giám đốc WHO khẳng định vaccine có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm.
[ECDC: Cần tiêm liều vaccine tăng cường cho tất cả người trưởng thành]
Các dữ liệu chỉ ra trước khi biến thể Delta xuất hiện, trung bình các loại vaccine giúp giảm khoảng 60% nguy cơ lây nhiễm và khi Delta xuất hiện thì tỷ lệ này giảm xuống còn 40%.
Biến thể Delta đang là biến thể chủ yếu gây bệnh trên toàn thế giới, lấn át các biến thể khác và biến thể gốc.
Theo kết quả phân tích chuỗi gene của 845.000 mẫu bệnh phẩm được thu thập trong 60 ngày gần nhất mà sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID thực hiện, có đến 99,8% là do biến thể Delta gây ra.
Ông Tedros cho biết việc tiêm phòng giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong nhưng vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh và lây bệnh cho người khác.
WHO một lần nữa kêu gọi mọi người kể cả khi đã tiêm phòng vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ nhiễm và lây bệnh cho người khác./.