WHO: Khoảng 32 triệu trẻ em trên thế giới bị mất thính lực

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 360 triệu người trong đó có 32 triệu trẻ em bị mất thính lực do di truyền, biến chứng khi sinh, bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn tai mạn tính, tác dụng phụ của thuốc.
WHO: Khoảng 32 triệu trẻ em trên thế giới bị mất thính lực ảnh 1Các học sinh trường khiếm thính tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 3/3, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng công ty Sonova (Thụy Sĩ) tổ chức sự kiện “Chào mừng ngày Chăm sóc thính lực thế giới 3/3” với mục tiêu nâng cao nhận thức về các nguy cơ gây suy giảm, mất thính lực, cách chăm sóc và phòng ngừa, đặc biệt là ở trẻ em.

Phát biểu tại sự kiện, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có hơn 5% dân số thế giới (khoảng 360 triệu người) bị mất thính lực, trong đó có 32 triệu trẻ em. Nguyên nhân chính gây mất thính lực có thể do di truyền, biến chứng khi sinh, bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn tai mạn tính, tác dụng phụ của thuốc, tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn hoặc lão thính.

Mất thính lực gây ra các tác hại cho sức khỏe thể chất, tinh thần, giáo dục và việc làm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, một nửa các trường hợp mất thính lực có thể tránh được thông qua phòng ngừa ban đầu. Vì vậy, ngày 3/3 đã được Tổ chức Y tế thế giới chọn là ngày Chăm sóc thính lực thế giới để thu hút sự chú ý của cộng đồng về tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ thính lực.

Bà Phạm Thị Hải Hà cũng chia sẻ, Việt Nam có khoảng 1,3 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó, trẻ khiếm thính chiếm trên 12%. Ngày nay, nhờ có sự phát triển của khoa học công nghệ, có các phương tiện trợ thính phù hợp nên trẻ em khiếm thính có thể nghe, phát triển được ngôn ngữ nói. Tuy vậy, để giúp trẻ có thể vượt qua thiệt thòi này rất cần sự quan tâm của cha mẹ, cộng đồng để trẻ em khiếm thính phát triển hòa nhập với xã hội, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong chương trình, các chuyên gia về thính lực đã chia sẻ thông tin về nguy cơ gây giảm thính lực, cách chăm sóc và phòng ngừa giảm thính lực. Đặc biệt, đối với trẻ em, nhiều bệnh có thể gây ra mất thính lực như thủy đậu, viêm não, cúm, sởi, viêm màng não và quai bị. Vì vậy, gia đình cần chú ý tiêm phòng vắcxin, bảo vệ trẻ em không bị các bệnh này.

Một số trẻ em được sinh ra đã bị điếc, được gọi là điếc bẩm sinh, có thể xảy ra khi người mẹ bị bệnh trong thời gian mang thai như tiểu đường, bị nhiễm trùng, nhiễm virus hoặc do các nguyên nhân khác như trẻ sinh non, vàng da sơ sinh... Do đó, cần phát hiện sớm các vấn đề thính lực ở trẻ em để có hướng điều trị và can thiệp kịp thời, giúp các em hòa nhập tốt hơn với cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục