Tiêm phòng vắcxin Ebola trên diện rộng là cách thức hữu hiệu để ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại Cộng hòa dân chủ Congo, nơi đợt bùng phát mới nhất đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người.
Ngày 7/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra lời kêu gọi trên, khẳng định vắcxin là một trong những công cụ giúp đẩy lùi dịch bệnh Ebola tại quốc gia châu Phi này.
Theo WHO, hơn 110.000 người đã được miễn dịch nhờ chiến dịch tiêm phòng trọng điểm, tức là tiêm vắcxin rVSV-ZEBOV phòng Ebola cho những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh do đã tiếp xúc với người bệnh và những người tiếp xúc với họ.
Tuy nhiên, để việc phòng ngừa triệt để hơn, các chuyên gia WHO khuyến cáo giới chức y tế Congo cần triển khai ngay các chiến dịch tiêm phòng cho mọi người dân tại tất cả các địa phương có người nhiễm bệnh trong cả nước.
Một báo cáo của WHO nêu rõ: "Số ca nhiễm mới Ebola tiếp tục tăng, một phần do bạo lực tái diễn ảnh hưởng tới việc xác định sớm và tiến hành tiêm phòng trọng điểm cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm virus Ebola."
[Báo động số người tử vong do đại dịch Ebola tại CHDC Congo]
rVSV-ZEBOV là một loại vắcxin mới, do công ty dược phẩm Merck bào chế, dù chưa được cấp phép nhưng đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
Các chuyên gia cũng đề nghị sử dụng một loại vắcxin thử nghiệm khác có tên là MVA -BN, do tập đoàn Johnson & Johnson bào chế. Họ cũng đồng thời khuyến cáo không chỉ tiêm phòng cho những người tiếp xúc với người bệnh, những người tiếp xúc với người tiếp xúc người bệnh, mà còn cho toàn bộ người dân tại các ngôi làng phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh được thông báo trong khoảng 21 ngày.
Tổng Giám đốc WHO, tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus, khẳng định: "Tiêm phòng đang bảo vệ tính mạng của người dân trong đợt bùng phát dịch bệnh này." Tuy nhiên, ông thừa nhận "chúng ta vẫn đang đối mặt với những thách thức phải đảm bảo rằng những người tiếp xúc với bệnh nhân đều được tiêm phòng trong thời gian sớm nhất."
Gần đây, giới chức WHO cũng đã thừa nhận rằng tình hình an ninh bất ổn tại khu vực miền Đông, nguồn tài chính eo hẹp và sự lôi kéo của chính khách địa phương đã khiến người dân quay lưng lại với nhân viên y tế, qua đó ảnh hưởng tới nỗ lực khống chế dịch bệnh của WHO.
Tháng 8/2018, Cộng hòa dân chủ Congo đã tuyên bố bùng phát dịch bệnh Ebola lần thứ 10 trong vòng 40 năm qua tại nước này, với "tâm bão" là tỉnh Bắc Kivu và khu vực lân cận tỉnh Ituri. Đây là được đánh giá là đợt dịch Ebola nghiêm trọng thứ hai trên phạm vi toàn cầu, sau đại dịch 2014-2016 cướp đi sinh mạng của hơn 11.300 người ở Tây Phi./.