Ngày 10/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo để ra vào Dải Gaza trong bối cảnh xung đột leo thang tại khu vực này.
Phát biểu tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic nêu rõ WHO kêu gọi chấm dứt bạo lực và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một hành lang nhân đạo để giúp người dân tại Dải Gaza tiếp cận y tế thiết yếu.
Theo người phát ngôn, WHO đã ghi nhận 13 vụ tấn công vào các cơ sở y tế tại Dải Gaza kể từ cuối tuần qua và số vật tư y tế tại đây đã được sử dụng hết.
Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk cho rằng việc Israel bao vây Dải Gaza khiến người dân ở vùng lãnh thổ này không tiếp cận được nhu yếu phẩm là hành vi bị cấm theo luật quốc tế.
[Xung đột Hamas-Israel: Quốc tế kêu gọi chấm dứt vòng luẩn quẩn bạo lực]
Trong tuyên bố, ông Turk kêu gọi các bên giảm căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh theo luật nhân đạo quốc tế, các bên xung đột có nghĩa vụ phải tránh các mục tiêu dân thường.
Ông nêu rõ bất kỳ hành vi nào hạn chế người đi lại và hàng hóa lưu thông trong việc thực hiện lệnh bao vây đều phải có lý do chính đáng về quân sự, nếu không sẽ phải đối mặt với biện pháp trừng phạt tập thể.
Văn phòng Điều phối Các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ước tính gần 200.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa tại Dải Gaza kể từ khi xung đột nổ ra giữa lực lượng Hamas và Israel. Họ đang đối mặt với tình trạng thiếu nước và thiếu điện do lệnh phong tỏa.
Người phát ngôn của OCHA Jens Laerke cho biết số người rời bỏ nhà cửa tại Dải Gaza đã lên tới hơn 187.500 người, trong đó phần lớn đang tạm trú tại các trường học. Ông cảnh báo con số này sẽ còn tăng do xung đột vẫn đang tiếp diễn.
Theo thống kê của cơ quan y tế tại Dải Gaza, ít nhất 770 người Palestine đã thiệt mạng và 4.000 người bị thương trong các cuộc không kích của Israel vào vùng lãnh thổ này kể từ ngày 7/10 vừa qua. Trong khi đó, tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng có 18 người thiệt mạng và 100 người bị thương.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Thủ tướng Áo Karl Nehammer thông báo nước này đang xúc tiến sơ tán công dân khỏi Israel bằng máy bay vận tải quân sự. Hiện có 200 công dân Áo báo với nhà chức trách nước này về nguyện vọng rời Israel.
Bộ Ngoại giao Áo đề nghị những người muốn lên các chuyến bay sơ tán liên hệ với Đại sứ quán Áo tại Tel Aviv. Kế hoạch sơ tán công dân sẽ bắt đầu được triển khai từ ngày 11/10 với điểm đến là Cộng hòa Cyprus.
Cũng trong ngày 10/10, Bộ Ngoại giao Cyprus tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ sơ tán công dân của các nước thứ ba muốn rời Israel qua Cyprus.
Một ủy ban của cơ quan này đã kích hoạt kế hoạch mang tên Estia nhằm cung cấp nơi ở tạm thời và hỗ trợ các công dân của Liên minh châu Âu (EU) và các nước thứ ba muốn sơ tán.
Trong khi đó, hàng nghìn công dân Israel đang sinh sống tại EU và các nơi khác coi Cyprus là điểm trung chuyển để trở về Israel kể từ khi xung đột bùng phát.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Israel đang cảnh giác cao trước khả năng chiến sự lan rộng từ Dải Gaza lên khu vực miền Bắc nước này và đã điều động lực lượng để đề phòng sự xâm nhập bằng đường không từ Syria và Liban.
Cùng ngày 10/10, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Ben-Gvir tuyên bố nước này sẽ phân phát hàng nghìn súng trường cho các lực lượng tình nguyện phản ứng nhanh tại các cộng đồng ở biên giới và các thị trấn có người Do Thái và Arab cùng sinh sống.
Phản ứng trước những diễn biến hiện nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này cùng Mỹ, Pháp và Anh đang làm việc với các nước trong khu vực nhằm ngăn căng thẳng leo thang hơn nữa.
Về phần mình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi giải quyết cuộc xung đột dựa trên các nguyên tắc của Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi chấm dứt chiến tranh và bạo lực./.