Ngày 21/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã "đánh bật" tất cả các biến thể khác trong nhóm biến thể gây quan ngại (VOC), trở thành biến thể chính gây ra các ca bệnh COVID-19 trên toàn cầu.
Theo trưởng ban kỹ thuật phòng chống COVID-19 của WHO, Maria Van Kerkhove, hiện mỗi biến thể còn lại trong nhóm được WHO phân loại là VOC (gồm Alpha, Beta và Gamma) gây ra chưa đến 1% tổng số ca bệnh toàn cầu.
Trong khi đó, biến thể Delta thời gian qua đã biến ứng và thích nghi tốt, trở nên dễ lây lan hơn, đang "chèn ép" và dần thay thế tất cả các biến thể còn lại.
Theo WHO, Delta đã xuất hiện ở hơn 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Mọi virus đều biến đổi theo thời gian và SARS-CoV-2 gây COVID-19 cũng không ngoại lệ.
Vào khoảng cuối năm 2020, các biến thể mới của virus xuất hiện đã làm gia tăng nguy cơ đe dọa hệ thống y tế toàn cầu và WHO cũng bắt đầu phân loại thành những cấp độ như biến thể đáng quan tâm (VOI), VOC, để thông tin tốt hơn về cách thức ứng phó với dịch bệnh.
[WHO đánh giá về biến thể virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Ấn Độ]
WHO quyết định đặt tên cho các biến thể theo thứ tự trên bảng chữ cái Hy Lạp để tránh việc các nước nơi virus xuất hiện đầu tiên bị gọi tên.
Bên cạnh 4 biến thể thuộc nhóm VOC thì còn có 5 biến thể thuộc nhóm VOI.
Tuy nhiên, theo bà Van Kerkhove thì 3 trong nhóm này gồm Eta, Iota và Kappa, đã được hạ xuống mức biến thể cần theo dõi.
Bà Van Kerkhove cho rằng sự điều chỉnh trên là dựa trên những biến đổi trong thực tế lây truyền và rằng các biến thể thuộc nhóm VOI bị nhóm VOC lấn át và dần ít xuất hiện hơn./.